Thanh Hóa: "Giữ lửa" với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái

02/04/2023
Bằng tình yêu dân tộc, chị Hà Thị Dung (Thanh Hóa) luôn trăn trở và tìm hướng đi để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được bảo tồn và phát huy.
Chị Hà Thị Dung (thứ 3 từ phải sang) dạy nghề cho các chị em

Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái ở xã Lũng Niêm (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), tình yêu với thổ cẩm của chị Hà Thi Dung được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ nhìn các bà, các mẹ ngồi bên khung cửi, miệt mài dệt vải để làm nên những tấm váy, chiếc khăn. Khi lớn lên, được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu, cứ thế niềm đam mê của chị dành cho thổ cẩm lớn dần.

Chị Dung tâm sự, khoảng những năm 2000, cơ chế thị trường có nhiều thay đổi, bà con trong bản đi làm ăn ở nhiều nơi. Khi phần lớn những người phụ nữ Thái trong bản đã bỏ nghề dệt, năm 2006, chị đứng ra tổ chức dạy nghề cho chị em, đồng thời mở cơ sở dệt may nhằm khôi phục lại nghề dệt tại địa phương.

Cũng như nhiều người khởi nghiệp khác, những ngày đầu, chị Dung phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. "Lúc mới bắt đầu, mình làm gì có nhiều vốn, bản thân cũng chưa kinh doanh bao giờ nên không tìm được đầu ra để tiêu thụ sản phẩm. Chị em non tay nghề nên hầu như phải đào tạo từ đầu" - chị Dung chia sẻ.

Với niềm đam mê của bản thân, sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Dung đã vượt lên những khó khăn để quyết tâm gắn bó với nghề. Chị tìm đến những người có kinh nghiệm lâu năm về nghề dệt thổ cẩm trong xã, vận động họ tham gia dạy nghề. Cùng với đó, chị cũng mạnh dạn vay vốn mua thêm khung cửi, mở rộng việc dạy nghề, thu gom sản phẩm và tìm mối tiêu thụ.

Chị Hà Thị Dung hướng dẫn chị em lấy sản phẩm đi tiêu thụ tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Với khả nặng nhạy bén, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, chị Dung mua sắm thêm máy khâu, thiết kế và cải tiến một số chi tiết, may trang phục nhằm cung ứng đa dạng các mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, phụ nữ xã Lũng Niêm có thể dệt được 8 loại thổ cẩm. Cơ sở may của chị Dung cũng sản xuất ra nhiều sản phẩm, trang phục của các dân tộc khác nhau.

Với sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị cũng tích cực tham gia các hội chợ thương mại, phát triển thêm phương thức bán lưu động và giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng internet. Nhờ đó, chị Hà Thị Dung có thu nhập ổn định 20 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 40 phụ nữ tại xã Lũng Niêm, giúp đỡ 10 chị em lấy sản phẩm đi tiêu thụ tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Chị Hà Thị Dung bên những sản phẩm dệt

Ghi nhận những cố gắng của chị Hà Thị Dung, bà Hà Thị Thoi - Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm - nhận xét, niềm đam mê và quyết tâm khôi phục nghề dệt truyền thống của chị Hà Thị Dung đã góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Thái. Cấp ủy, chính quyền xã Lũng Niêm đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, thu hút gần 100 xã viên tham gia, định hướng xây dựng sản phẩm OCOP gắn với khai thác du lịch làng nghề, thúc đẩy liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video