Phú Thọ: “Người thật, vốn thật” khơi dậy tiềm năng của lao động nữ

26/10/2023
Tâm huyết với công tác giảm nghèo cho hội viên, phụ nữ, trong nhiều năm qua, chị Đinh Thị Hồng Phương - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - đã nỗ lực chỉ đạo các cấp Hội triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ chị em làm kinh tế thoát nghèo.
Chị Đinh Thị Hồng Phương - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Chị Đinh Thị Hồng Phương là cán bộ hội người dân tộc Mường có tư tưởng tiến bộ. Nhận thấy chị em phụ nữ ở địa phương còn khá dè dặt trong việc đứng lên làm chủ kinh tế, chị đã trăn trở rất nhiều để tìm ra biện pháp hiệu quả nhất, toàn diện nhất nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ. Đồng thời, hỗ trợ chị em làm kinh tế, trong đó có những chị em là người dân tộc thiểu số tại địa phương như dân tộc Nùng, Mường, Thái, Tày, Cao Lan...

Chị Đinh Thị Hồng Phương được biểu dương Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023

Gắn với thực hiện Đề án 939/CP về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", bám sát vào chương trình kinh tế của địa phương, chị Phương đã chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

"Muốn làm kinh tế, trước tiên là phải thay đổi nếp nghĩ, tư duy, và quan trọng nhất là phải có vốn. Chính vì vậy Hội đã chủ động phối hợp khai thác và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn thông qua tổ chức Hội như nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội; nguồn vốn quỹ TYM; nuôi lợn tiết kiệm cho vay;...", chị Phương cho biết.

Hội đã chủ động phối hợp khai thác và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn thông qua tổ chức Hội

Minh chứng cho việc thực hiện hiệu quả các nguồn vốn này, riêng đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hội đã thành lập 4 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 124 hội viên vay với tổng số tiền dư nợ hơn 3,8 tỷ đồng; dư tiết kiệm hơn 150 triệu đồng, không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Tổ hợp tác trồng rau an toàn tại địa phương

Đối với nguồn vốn quỹ TYM, hội có 21 cụm quỹ TYM tại 16 chi hội với 897 thành viên, hỗ trợ hội viên với tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng, dư tiết kiệm hơn 8 tỷ đồng. Qua đó đã giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ở thị trấn Thanh Sơn, bà con không còn lạ gì với những mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo, vươn lên làm giàu điển hình như mô hình trồng nhãn, chè, na, mận, nuôi ong với diện tích 2,2ha của hộ chị Nguyễn Thị Mai, chi hội Liên Đồng. Nhờ có nguồn vốn vay, gia đình chị Mai đã mạnh dạn làm kinh tế, đến nay cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, năm nào cũng có hội viên là người dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Đại diện Hội LHPN xã tặng quà cho trẻ khó khăn

Hay như mô hình mình chăn nuôi tổng hợp gà, bò, ao cá của gia đình chị Trương Thị Dân; mô hình xưởng ván ép của hộ gia đình chị Dũng Ánh cho thu nhập 800 triệu đồng/năm, giúp đỡ cho 15 lao động thường xuyên với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng...

"Ngày hội mổ lợn nhựa tiết kiệm" để giúp chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay

Từ các mô hình "người thật, vốn thật" đó đã khơi dậy tiềm năng của lao động nữ, nâng cao vị thế của tổ chức hội trong việc đóng góp vào chương trình phát triển kinh tế ở địa phương. Các nguồn vốn qua tổ chức Hội với nhiều hình thức quản lý khác nhau, nhưng đều nhằm hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chị Phương là tấm gương cán bộ Hội năng nổ, tích cực trong mọi công tác, nổi bật nhất là công tác giảm nghèo tại địa phương

Là một cán bộ hội năng động, sáng tạo, chị Phương còn chỉ đạo các cấp hội tổ chức "Ngày hội mổ lợn nhựa tiết kiệm" để giúp chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất 0 đồng phát triển kinh tế gia đình. Đã có 16/16 chi hội có lợn nhựa tiết kiệm, với số tiền thu được là trên 400 triệu đồng.

Qua các hình thức hỗ trợ thiết thực và các mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều chị em phụ nữ "đổi đời", từ nghèo trở thành khá giả

Chị Phương cũng luôn xác định, mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết luôn là mô hình hiệu quả, cho nên chị đã chỉ đạo các cấp hội duy trì tốt hoạt động các tổ liên kết/nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế. Điển hình như tổ liên kết trồng rau sạch tại chi hội Hùng Nhĩ, tổ nghề nghiệp chổi chít chi hội Tân Thành,

Hoạt động "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ" được chị Phương chỉ đạo thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Chính vì vậy mà các mô hình trở thành "phong trào" đối với chị em phụ nữ để cùng nhau phấn đấu. Qua các hình thức hỗ trợ thiết thực và các mô hình kinh tế hiệu quả, chị Phương đã giúp nhiều chị em phụ nữ "đổi đời", từ nghèo trở thành khá giả.

 Với những thành tích đã đạt được trong công tác giảm nghèo và các hoạt động hội, chị Đinh Thị Hồng Phương cùng tập thể Hội LHPN thị trấn Thanh Sơn đã được các cấp hội ghi nhận, đánh giá cao; nhận được nhiều Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam,  Hội LHPN tỉnh Phú Thọ; Giấy khen của UBND và Hội LHPN  huyện Thanh Sơn. Riêng cá nhân chị Phương đã có nhiều danh hiệu thi đua từ các cấp.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video