Phụ nữ La Ha "giữ lửa" văn hóa truyền thống
Ở nơi sông Đà uốn khúc qua miền núi rừng Tây Bắc, nơi những triền đồi xanh thẫm in bóng nhà sàn, người La Ha sống nương vào rừng, vào đất, cứ mỗi độ măng non đội đất vươn lên, bản lại rộn ràng tiếng khèn, điệu múa. Đó là Pang A Nụn Ban - lễ hội mừng mùa măng đầu tiên, mừng sự sống trở lại với đại ngàn, cũng là lúc con người tạ ơn rừng núi, trời đất và tổ tiên

Giữa buổi sớm tháng Ba, người dân bản Ten Che, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, gùi măng từ rừng trở về. Măng mọc là tín hiệu thiêng - là lúc tổ chức lễ hội Pang A Nụn Ban, để dâng măng đầu mùa lên trời đất, thần rừng và tổ tiên. Những đôi chân trần đã dẫm lên đất ẩm, hướng về rừng tre. Phụ nữ là những người đầu tiên nhận biết mùa măng. Không chỉ vì họ cần thực phẩm, mà vì họ có một thứ bản năng gắn với mùa, với đất, với cây. “Măng mọc là rừng đang nói. Không ai hiểu rừng bằng đàn bà La Ha đâu", chị Lò Thị Hến ở bản Huổi Hẹ, xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, nói khi bước chân thoăn thoắt vào rừng hái măng