Nỗ lực để nghề dệt thổ cẩm sống mãi cùng đồng bào Tây Nguyên
Nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ lâu đời trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân tộc như Jarai, Bana ở Gia lai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Nghề thường gắn liền với người phụ nữ và được lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi sản phẩm là một quá trình dày công đan dệt, với nhiều công sức tỉ mỉ, óc sáng tạo và chứa đựng những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ cao nguyên.
Các tấm thổ cẩm dệt của người Tây Nguyên có thể làm thành nhiều sản phẩm như: Làm áo, khố, váy... Sau này làm thành túi xách, ví, bao điện thoại phục vụ cho khách du lịch. Khi xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa của làng có phần giao thoa với người Kinh, các loại vải trên thị trường được bán vừa đa dạng vừa rẻ, đồng thời thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống nên nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ mai một.
Từng là nghề lưu truyền nội bộ
Về làng Dôr 2, xã Glar (Đak Đoa, Gia Lai) là nơi còn lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống trong đó có dệt thổ cẩm. Gia đình bà Mlôp duy trì nghề dệt được xem là "ăn nên làm ra". Hơn nửa căn nhà bà dành cho thổ cẩm, là khung cửi, chỉ dệt, và các sản phẩm từ thổ cẩm như váy áo, túi xách,… với những gam màu tươi tắn và những đường nét hoa văn cầu kỳ, đa dạng và rất bắt mắt.
Bà Mlôp giới thiệu các sản phẩm dệt từ thổ cẩm.
Bà Mlôp được mệnh danh là người "giữ lửa" cho nghề dệt thổ cẩm của địa phương. Bà cũng là người sáng lập, phát triển hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar, giúp nhiều chị em có thu nhập ổn định từ nghề dệt truyền thống.
Bà Mlôp cho biết: Xưa kia, nếu vào bất cứ buôn làng nào của người Bana ở Gia Lai chúng ta cũng đều bắt gặp hình ảnh những nếp nhà sàn với khung cửi ngày đêm lách cách thoi đưa. Người phụ nữ Bana học nghề dệt thổ cẩm từ những người phụ nữ thế hệ trước và truyền lại cho con cháu đời sau. Để dệt được những tấm vải thổ cẩm hoàn mỹ đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống được làm thủ công với những công cụ thô sơ nên chỉ những người phụ nữ mới có thể kiên trì làm được. Do đó, đã hình thành trong dân gian quan niệm người đàn ông Tây Nguyên phải biết đan lát, săn bắt, đánh cồng chiêng, phụ nữ phải biết dệt vải, múa xoang, nội trợ.
Bản thân bà Mlôp đã quen với khung dệt, hình ảnh trái bông, màu nhuộm, sợi chỉ từ thời tấm bé. Lên 10 tuổi bà đã được mẹ dạy dệt thổ cẩm, cách biến hóa từ quả bông thành sợi chỉ cho đến cách ra chỉ, phối màu và dệt.
Bà Mlôp được xem là người giữ “hồn” cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Bà Mlôp kể thêm, ở làng bà trước đây nghề dệt không phải ai cũng biết làm. Nghề này chỉ có gia đình nào có truyền thống dệt thổ cẩm thì mới biết dệt và chỉ gìn giữ trong gia đình. Nghề dệt này thường là do mẹ hoặc chị em gái trong nhà truyền lại cho nhau. Người làng họ giữ bí quyết, không truyền ra cho người ngoài gia đình. Trong những dịp lễ hội của làng, bà con sẽ mặc bộ trang phục truyền thống. Thước đo của vẻ đẹp lúc này là sự khác biệt trên hoa văn, màu sắc trang phục. Mỗi gia đình sẽ có một bí quyết dệt riêng, những công thức khác nhau để cho ra những hoa văn đẹp, mang giá trị cao. Còn nhà nào không có truyền thống dệt thì phải nuôi heo để đổi lấy trang phục. Ngày trước, một tấm vải thổ cẩm có giá trị bằng 1 con heo. Người làng không bán, chỉ dùng để đổi heo.
Mở rộng để cùng nhau giữ gìn, phát huy nghề truyền thống
Thế nhưng, càng về sau, nhiều gia đình đã không duy trì được nghề, thế hệ trẻ trong làng cũng không còn mặn đan dệt. Lo sợ nghề truyền thống dân tộc bị mai một, lo sợ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình không còn người tiếp nối, bà Mlôp đã truyền dạy lại cho những người phụ nữ trong làng, ai có nhu cầu học bà chỉ dạy tận tình và không lấy tiền học của bất kì ai. Bà Mlôp mở xưởng, vừa dạy vừa giúp chị em trong làng có thêm thu nhập. Bất cứ ai nhàn rỗi tìm đến đều có việc để làm. Đơn giản nhất là gỡ chỉ trong các cuộn thành từng sợi, với nhiều màu sắc theo thứ tự, xong thì đến dệt. Mùa khô ít người làm, bởi bà con bận đi rẫy. Mùa mưa phụ nữ trong làng đến nhiều. Mùa hè thì các cháu học sinh. Với sự nỗ lực truyền dạy của bà Mlôp và ý chí không bỏ cuộc của những người phụ nữ trong làng cùng nhau cố gắng giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, họ đã có thêm thu nhập phục vụ chi tiêu sinh hoạt, vừa bớt nhàn rỗi, vừa góp phần gìn giữ vẻ đẹp bản sắc của dân tộc mình.
Các tấm thổ cẩm dệt có thể làm thành nhiều sản phẩm hữu ích trong đời sống.
Những khung cửi của các hộ gia đình đồng bào Bana tưởng chừng trôi vào quên lãng nay đã hoạt động trở lại bởi bàn tay khéo léo của bà Mlôp và những người phụ nữ trong làng Dôr 2. Năm 2006, được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập với 30 thành viên. Đến nay, HTX đã thu hút hơn 300 chị em tham gia dệt thổ cẩm. Nhiều năm qua, nhờ sự chăm chỉ, rèn luyện để nâng cao tay nghề, HTX đã được rất nhiều cơ quan đặt sản phẩm để phục vụ cho các lễ hội, và được rất nhiều người dân từ các xã, huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum đến đặt hàng.
Chị Bleng (thành viên của HTX) cho biết: Dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp. Tấm vải một mét thì mất 3 đến 4 ngày làm liên tục, còn nếu chỉ tranh thủ làm thì thời gian lâu hơn. Dệt vải yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, phụ nữ thì thường là váy, áo, đàn ông thì áo, khố, ngoài ra còn có khăn, tấm choàng để địu con… Họa tiết trên thổ cẩm chủ yếu là do khách hàng đặt. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm. "Từ khi tham gia vào rất nhiều chị em được hưởng lợi từ HTX, nhờ có HTX mà đời sống chị em trong làng có thêm thu nhập và cải thiện hơn trước nhiều", chị Bleng phấn khởi nói.
Với sự nỗ lực, chăm chỉ, cần mẫn của họ trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt mà các sản phẩm thổ cẩm ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Hàng năm, HTX đều đưa các mặt hàng của mình giới thiệu tại các hội chợ lớn trên cả nước. Năm 2020, HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar đã chọn sản phẩm túi xách để xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Cuối năm 2020, sản phẩm đã được công nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Cần tăng cường quảng bá sản phẩm của bà con
Ngoài HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar, hiện nay, tại Gia Lai còn có thêm các cơ sở dệt thổ cẩm khác như: Tổ liên kết "đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng" do Hội LHPN xã Ia Mơ Nông (Chư Păh) thành lập vào tháng 6/2022; Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (CLB được thành lập tại các làng trên địa bàn TP Pleiku)… Hay tại tỉnh Đắk Nông có tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa), tại Kon Tum có Tổ liên kết nhà dệt thổ cẩm làng Plei Tơ Nghia… Nhìn chung, các HTX, mô hình đã tạo thu nhập bền vững cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho thế hệ trẻ yêu hơn và phát huy về văn hóa của vùng Tây Nguyên.
Màu sắc của trang phục làm từ thổ cẩm tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
Để nghề dệt thổ cẩm sống mãi cùng đồng bào Tây Nguyên, ngoài việc đã chú trọng khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề cho chị em, mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm…thiết nghĩ, phía địa phương cần tăng cường quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, sản phẩm thủ công truyền thống của bà con. Đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và phát huy nghề truyền thống theo hướng du lịch. Ngược lại, các sản phẩm chị em làm ra, cũng cần sáng tạo hơn để có tính ứng dụng cao vào đời sống hàng ngày, tận dụng nền tảng công nghệ số để đưa sản phẩm được vươn xa.