Những phụ nữ “giữ lửa” văn hoá Mường ở Nho Quan, Ninh Bình
Những ngày đầu tháng 3 này, về thăm các làng, bản ở Nho Quan đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp chị em phụ nữ dân tộc Mường duyên dáng, uyển chuyển trong trang phục truyền thống tham gia các lễ hội của dân tộc. Nét đẹp văn hoá dân tộc Mường nơi đây được hiện hữu rõ nhất qua những lời ca tiếng hát, tiếng cồng tiếng chiêng, qua những món ăn dân dã và những phong tục tập quán bản địa đang được các bà, các mế chăm chút, gìn gữ và truyền đạt lại.
Để tập hợp, kết nối, tạo điều kiện cho chị em được giao lưu, học hỏi, từ năm 2019, Hội LHPN huyện Nho Quan đã triển khai thành lập các CLB “Phụ nữ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mường”, CLB “Hát tiếng Mường”, CLB Cồng chiêng, CLB “Đánh mảng”… Ở đó, lớp phụ nữ cao tuổi chính là thành viên cốt cán để trao truyền kinh nghiệm, bí kíp trong giữ gìn văn hóa Mường.
Đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn và tinh anh, bà Bùi Thị Sen - “hạt nhân” của CLB Đánh mảng xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan cho biết: "Dù không còn dẻo dai, nhanh nhẹn để chơi tốt như thời trẻ nữa nhưng tôi vẫn tham gia vào CLB vì mong muốn được góp phần nhỏ lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến với thế hệ con cháu”. Bà Sen trổ tài thoăn thoắt bắn trên, bắn dưới, nhảy lò cò, kẹp, sút để di chuyển từng con mảng sao cho vào vị trí thuận lợi, đạt số điểm cao nhất.
Chị em người Mường xã Quảng Lạc bên mâm cỗ lá dự Hội thi Ẩm thực tại Ngày hội VHTT các dân tộc huyện Nho Quan.
Một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của người Mường ở Nho Quan là tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu nhảy sạp và những câu hát bọ meẹng, rằng xường được chị em trong các CLB “Hát tiếng Mường” cất lên mỗi dịp xuân về. Phụ nữ dân tộc Mường ở Nho Quan hát để kể chuyện tình yêu, chuyện cuộc sống, nuôi dạy con cái và tâm tình với người thân. Từ trước đến nay, những hoạt động này đa phần được các thế hệ tiếp nối qua hình thức truyền khẩu nên dễ có nguy cơ mai một. Với 12 CLB “Hát tiếng Mường” được Hội Phụ nữ thành lập tại các thôn, bản đã kết nối chị em, đẩy mạnh việc tập luyện, lan toả, truyền dạy những nét văn hoá xưa một cách bài bản, hệ thống hơn đồng thời truyền bá rộng rãi những giá trị này đến nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bà Sen đánh mảng.
Nếu như ngày thường, phụ nữ Mường Nho Quan thường sống đơn giản, hoà mình vào thiên nhiên núi rừng, trời đất thì đến các dịp lễ hội, chị em ai ai cũng phấn chấn, thể hiện hết tài hoa, lòng mến khách trong từng mâm cỗ lá (mâm cỗ được bày biện trên những tàu lá chuối theo truyền thống dân tộc Mường). Trong mâm cỗ lá thường có đủ thịt lợn, gà, rau rừng, măng mai, cá suối… được nuôi trồng hoặc thu hái trong rừng. Những món ăn được dân dã được chị em công phu chế biến, trở thành những món ăn đặc trưng của người Mường. Trong mâm cỗ, đĩa gia vị thường được người phụ nữ Mường chú tâm rất nhiều. Bởi chỉ từ những nguyên liệu quen thuộc như muối trắng, hạt dổi, tiêu, ớt và mốt số loại thảo dược, nhưng qua bàn tay của mỗi người phụ nữ lại tạo nên hương vị rất riêng, gây thương nhớ cho thực khách.
Phụ nữ ở Nho Quan như những ngọn đèn truyền lửa, là linh hồn, người tiếp nối góp phần giữ gìn và trao truyền, quảng bá bá văn hoá truyền thống dân tộc Mường; bảo tồn và phát huy nững giá trị quý báu từ ông cha truyền lại, để những giá trị văn hoá Mường mãi mãi trường tồn theo thời gian.