Nét độc đáo trong trang phục của người phụ nữ Si La

Trong ngôi nhà thưng gỗ cổ truyền nằm chon von trên sườn núi, bà Pờ Cố Khá đang miệt mài dạy cho các cháu gái cách thêu các hoạ tiết, hoa văn trên chiếc áo của mình. Dù đã ngoài 85 tuổi nhưng bà còn minh mẫn lắm, đường kim, mũi chỉ của bà đều tăm tắp. Bà nhớ lại: “Ngay từ khi còn bé các cô gái đã được các bà, mẹ dạy cho từng đường tơ, sợi chỉ, may vá, thêu thùa. Họ được dạy từ những chi tiết, công đoạn giản đơn đến những hoa văn phức tạp để tạo nên chiếc áo bền và đẹp. Cho đến khi biết làm duyên là lúc đường may cũng thành thục đó mới là người con ngoan, khéo léo, đảm đang”.
Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng tô điểm thêm nét đẹp duyên dáng của mỗi người con gái. Ở phụ nữ Si La trang phục cũng là nét đặc trưng nhằm tôn vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái. Nếu như cô gái Thái duyên dáng trong bộ áo cóm bó sát thân, cô gái Mông uyển chuyển trong chiếc váy hoa thì trang phục của người Si La nổi bật với chiếc áo, yếm và khăn đội đầu. Từ ngày xưa, phụ nữ Si La đã biết xe sợi dệt vải, lấy củ nâu nhuộm thành màu vải đen để may áo. Chiếc áo được may theo hình xẻ dọc hai bên được đính cài với nhau bằng hai hàng cúc bạc. Riêng về phần cổ áo được kéo dài xuống dưới như hình tam giác và đính bằng các đồng xu kim loại hoặc bằng bạc. Với bàn tay điêu luyện và khéo léo của mình, ở hai tay, nách áo và viền của chiếc váy được đính bằng các nét thêu hoa văn tinh xảo với màu đỏ, trắng, vàng. Chiếc váy của người phụ nữ Si La là màu đen, bên ngoài phủ một tấm vải màu xanh thẫm hoặc xanh da trời được cạp bằng mảnh vải quấn ngang thắt lưng tô điểm thêm cho chiếc váy. Để làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái họ dùng những chiếc kiềng to bằng bạc đeo vào cổ, hai bên tai là bông tai bạc, còn tay trái đeo các vòng bạc mảnh nhỏ.
Nhằm hoàn thiện bộ trang phục cho đẹp và duyên dáng hơn, các cô gái Si La còn làm thêm những chiếc khăn đội lên đầu. Theo bà Khá, chiếc khăn đội đầu được làm từ sợi bông dùng để phân biệt giữa người có chồng và người chưa xây dựng gia đình thể hiện ở hai màu trắng, đen. Phụ nữ có chồng thường là chiếc khăn màu đen được đội nhô về phía trước như hình lưỡi trai, còn khăn các cô gái có màu trắng dệt bằng tay, đính kèm hoa văn và các quả bông đủ màu sắc tạo nên nét độc đáo riêng của người
Vào các dịp lễ hội, ngày tết, ngày cưới phụ nữ Si La rất coi trọng mái tóc, bởi theo phong tục mái tóc thể hiện sự tôn nghiêm, là diễm phúc của người phụ nữ. Vì vậy trẻ em ngay từ nhỏ đã được gội đầu bằng nước từ quả bồ kết và một số lá cây trên rừng có tác dụng làm tóc mềm và óng mượt. Đây cũng là một bí quyết giúp mái tóc của những cô gái Si La khoẻ về sức sống, đẹp trong mắt mọi người. Ngoài những giờ lao động, lên nương người phụ nữ Si La còn tranh thủ may vá, thêu thùa. Khi con gái còn nhỏ các bà mẹ trong bản đã tập cho các cô con gái đi đứng nhẹ nhàng, nói năng điềm đạm tô thêm vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ dân tộc Si La. Phụ nữ dân tộc Kinh có vẻ đẹp duyên dáng dịu dàng trong tà áo dài thiết tha thì người phụ nữ Si La có vẻ đẹp mộc mạc, khoẻ mạnh, thuần khiết trong chiếc áo xẻ tà, chiếc váy rực rỡ với những hoạ tiết, hoa văn đủ sắc màu tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của núi rừng Tây Bắc.
Ngày nay đời sống của đồng bào dân tộc Si La ngày càng được nâng cao thì việc giữ gìn và phát triển các bản sắc văn hoá của dân tộc rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương. Vì vậy việc tìm hiểu về trang phục của người Si La chúng ta càng thêm tự hào về bề dày truyền thống văn hoá. Đối với họ trang phục chiếm một vị trí quan trọng góp phần tô điểm thêm cho bức tranh 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ, trọn vẹn trong tổng thể hài hoà bản sắc văn hoá Việt