Mối quan hệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc có thể xem như là “một gia đình”

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam bày tỏ sự vinh dự khi là vị khách quốc tế đầu tiên đến làm việc với TW Hội LHPN Việt Nam tại trụ sở mới. Măc dù mới nhận nhiệm vụ là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam được hơn 2 tháng, ngài Đại sứ đã tìm hiểu và dành nhiều tình cảm cho Hội LHPN Việt Nam trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam với Chính phủ Hàn Quốc trong công tác thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề của phụ nữ.
Theo thống kê của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, hiện nay có khoảng 80 nghìn cặp gia đình Việt - Hàn đang sinh sống tại Hàn Quốc và khoảng 10 nghìn cặp gia đình Việt - Hàn đang sinh sống tại Việt Nam. Phía Hàn Quốc nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do người dân hai nước có tính tương đồng về văn hoá và nhân chủng học. "Với những con số đó, tôi cho rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta không chỉ là quan hệ chính trị, ngoại giao mà có thể xem như "thông gia", là một gia đình. Mỗi quốc gia có hoàn cảnh kinh tế, xã hội, thể chế chính trị khác nhau, tuy vậy chúng ta lại có rất nhiều vấn đề để hợp tác và học hỏi lẫn nhau để giúp cho nhiều phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp hơn" - ngài Choi Young Sam nhấn mạnh.
Đại sứ Choi Young Sam cho rằng hai nước có nhiều vấn đề để hợp tác và học hỏi lẫn nhau nhằm giúp cho nhiều phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp hơn
Để có thể duy trì mối quan hệ hòa hảo tốt đẹp đó, ngài Choi Young Sam cho rằng trước hết, công dân hai nước có thể duy trì việc kết hôn đúng theo quy định của pháp luật và để các cặp vợ chồng có thể chung sống lâu dài, hai nước cần có các chương trình giáo dục định hướng về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, phong tục của nước bạn cho các cặp vợ chồng. Hiện nay phía Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã có các chương trình giáo dục riêng dành cho chú rể là người Hàn Quốc hiểu biết về Việt Nam. Vì vậy Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất Hội LHPN Việt Nam cũng nghiên cứu và chuyển đổi tính chất, hình thức các chương trình giáo dục định hướng cho các cô dâu Việt Nam trước khi kết hôn. Cùng với đó, phía Hàn Quốc cũng đã có các chương trình hỗ trợ cho các gia đình đa văn hóa, đa quốc tịch từ cấp TW đến cơ sở, điều đó đồng nghĩa với việc khoảng 80 nghìn gia đình Việt - Hàn đã nêu ở trên cũng được thụ hưởng những lợi ích từ các chính sách này. Vì vậy, ngài Choi Young Sam hy vọng trong thời gian tới, 10 nghìn cặp vợ chồng Việt - Hàn đang sinh sống tại Việt Nam cũng sẽ nhận được những sự hỗ trợ từ phía nước sở tại.
Cũng tại buổi làm việc, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết bên cạnh những người có cuộc sống thành đạt, hạnh phúc ở "xứ sở Kim Chi" thì vẫn còn những phụ nữ buộc phải hồi hương vì những bất hạnh trong hôn nhân, nhiều người trong số họ có đưa theo con là những đứa trẻ có quốc tịch Hàn Quốc về lại quê nhà. Chính vì vậy, ngài Choi đề xuất Hội LHPN Việt Nam sẽ kết nối sâu sắc hơn nữa với chính phủ Hàn Quốc thông qua chương trình kết hợp với các cơ quan/tổ chức như Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Trung tâm Việt - Hàn chung tay chăm sóc... để hỗ trợ được tốt nhất về các thủ tục pháp lý, việc làm, an sinh xã hội, tái hòa nhập cộng đồng cho các phụ nữ và trẻ em di cư hồi hương từ Hàn Quốc sớm có cuộc sống ổn định. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các tổ chức tại Hàn Quốc có thêm nhiều các dự án viện trợ ko hoàn lại để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (giữa ảnh) trân trọng sự quan tâm của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc dành cho phụ nữ Việt Nam
Đáp lại những chia sẻ hết sức chân thành của ngài Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga bày tỏ sự xúc động khi ngài Đại sứ cũng như Chính phủ Hàn Quóc đã dành nhiều sự quan tâm tới phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Tại đây, bà Hà Thị Nga đã thông tin nhanh tới ngài Đại sứ về chức năng, 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam, trong đó, đặc biệt hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Bên cạnh đó, Hội cũng là đơn vị triển khai các Đề án 938, Đề án 939, Đề án 01 và 3 Chương trình MTQG của Chính phủ.
Trong nhiều năm qua, Hội đã tham mưu và đề xuất với Đảng, Chính phủ Việt Nam nhiều đề án/chính sách mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam và công tác Bình đẳng giới. Trong lĩnh vực đối ngoại, Hội có quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức trên thế giới và Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, lồng ghép giới trong chính sách, pháp luật và hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ. Hội LHPN Việt Nam cũng phối hợp với Hàn Quốc tổ chức các chương trình, dự án phát triển: nâng cao năng lực cho cán bộ qua các khóa đào tạo, tập huấn dài hạn và ngắn hạn; hỗ trợ phụ nữ về sinh kế; Hợp tác về hôn nhân quốc tế và hỗ trợ gia đình đa văn hóa; Dự án "Tăng cường năng lực của các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ ở Việt Nam".
Lãnh đạo hai bên nhất trí trong việc tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa hai nước
Đồng tình với những đề xuất của ngài Đại sứ đã nêu ở trên, Chủ tịch Hà Thị Nga nhận định, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa; tiếp tục tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Việt – Hàn hàng năm; kết nối, hỗ trợ cô dâu và phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như cô dâu hồi hương và con em của họ. Trong các Đề án TW Hội dự kiến xây dựng và trình Chính phủ có đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư, Hội LHPN Việt Nam rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đại sứ quán và Chính phủ Hàn Quốc cũng như tiếp tục thực hiện các Biên bản ghi nhớ với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc.
Chủ tịch Hà Thị Nga hy vọng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ ủng hộ và có tiếng nói đối với việc Chính phủ Hàn Quốc, KOICA tiếp tục hỗ trợ và phê duyệt hai đề xuất của Hội gồm: (1) Dự án giai đoạn 2 "Hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc toàn diện nhằm nâng cao tính hòa nhập của phụ nữ di cư và trẻ em của họ tại sáu tỉnh của Việt Nam", (2) Nâng cao năng lực về đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ Hội LHPN Việt Nam và một số cơ quan, bộ ngành của Việt Nam (2024 - 2026). Thời gian tới, Chủ tịch mong rằng hai bên sẽ có những hoạt động cụ thể, thiết thực để triển khai sự hợp tác này và mời ngài Đại sứ đi thăm các mô hình hoạt động của Hội tại địa phương.