Khởi nghiệp xanh - Hướng đi bền vững

Giữ hồn quê trong vị nước mắm đồng
Vươn lên có cuộc sống khá nhờ nghề làm nước mắm cá đồng, bà Lê Thị Trường Hận, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm cá đồng Thảo Nguyên, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, bày tỏ: “Làm nước mắm không chỉ là nghề mưu sinh, với tôi mỗi giọt nước mắm là ký ức, là tình quê, là kỷ niệm những ngày bé thơ được mẹ cầm tay chỉ cách lựa từng con cá tươi ngon, cách ủ muối, liều lượng vừa đủ để có được hương vị nước mắm thơm ngon, đậm đà, an toàn sức khỏe”.
Tận dụng món quà ưu đãi của thiên nhiên là nguồn cá đồng có sẵn, bà Hận cùng các chị em phụ nữ trong ấp nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, làm mắm và nước mắm cá đồng tự nhiên, với 2 nguyên liệu chính là cá và muối. Tập trung vào sản xuất nước mắm sạch nên từ năm 2014 đến nay, sản phẩm nước mắm của bà Hận bán ra thị trường được khách hàng cả trong và ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng.
Mỗi giọt nước mắm bà tạo ra không chỉ là thực phẩm, mà còn là hy vọng xây dựng thương hiệu quê hương từ chính những sản phẩm gần gũi, an toàn. Bà Hận chia sẻ: “Để cho ra một lô nước mắm đồng ngon phải mất từ 9-12 tháng và đòi hỏi một quy trình ủ mắm nghiêm ngặt để đạt được mùi, màu, hương vị ngon nhất. Bởi tất cả công đoạn sơ chế nguyên liệu, làm cá, ủ muối hay chưng cất đều được tiến hành kỹ lưỡng, an toàn".
Không dừng lại ở sản xuất, bà Hận còn liên kết tiêu thụ cá đồng với người dân địa phương, giúp giải quyết việc làm cho hơn 10 phụ nữ nông thôn. Bà Hận bộc bạch: “Chị em chúng tôi khởi nghiệp theo hướng kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Vì thế, tiêu chuẩn sản phẩm sạch, không phẩm màu, không hóa chất, an toàn cho sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là nền tảng để tôi cùng chị em duy trì, để nghề làm mắm, nước mắm cá đồng sẽ không mất đi, mà sống mãi trong từng bữa cơm gia đình Việt”.
Phát triển kinh tế xanh, bền vững
Chọn hướng đi từ “sản phẩm xanh, năng lượng tuần hoàn sạch” trong hành trình khởi nghiệp của mình, bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong, ở ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp điện năng lượng mặt trời trên diện tích 7.000m². Bà Hằng cho hay: “Chuỗi sản xuất khép kín trồng nấm, tận dụng bã rơm làm phân bón, trồng cỏ voi, nuôi trùn quế, chăn nuôi bò, gà, cá... Nhờ tái sử dụng tối đa chất thải, mô hình đã mang lại thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm cho hợp tác xã”.
Với cách làm hiệu quả “biến rác thải thành tiền”, mô hình của bà Hằng được xem là điển hình cho tư duy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, khi tái sử dụng chất thải làm đầu vào cho chu trình sản xuất khép kín, không để lãng phí tài nguyên sẵn có. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, nhiều mô hình kinh tế xanh khác cũng đang được chị em phụ nữ đầu tư phát triển, khởi nghiệp có hiệu quả.
Nổi bật như mô hình trồng dưa kim Hồng Ngọc trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao của bà Trần Thị Liễu, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ; dự án “Mặt nạ thải độc dưỡng da chiết xuất từ rau má và rau diếp cá" của bà Trương Thị Bích Liên, ở phường III, thành phố Vị Thanh. Bên cạnh phát huy, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, các hội LHPN cơ sở cũng tích cực vận động chị em tiểu thương ở các chợ thực hiện kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn, nói không với sử dụng hóa chất khi kinh doanh thức ăn.
Bà Hoàng Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho rằng: “Để góp phần thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội LHPN đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, khai thác, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...”.
Cũng theo bà Thu, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên tiếp cận kiến thức, vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển các mô hình kinh tế xanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những sản phẩm của các chủ thể kể trên hiện đang được Cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Hậu Giang (Cửa hàng OCOP) tin tưởng, lựa chọn bày bán tại Trạm dừng chân Hậu Giang, Quốc lộ 61C, ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy; điện thoại: 0812898899. |