Internet và bước "chuyển mình" ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

"Ngày còn ở xã Kim Tiến, chúng tôi sống chủ yếu tự cung, tự cấp. Ngoài chăn nuôi gia súc thả rông trong rừng và làm nương rãy, không có nghề nào khác. Cuộc sống gần như biệt lập bởi để ra huyện phải mất 4 tiếng đi thuyền, đi bộ theo sông Nậm Nơn và luồn qua những con đường mòn trong cánh rừng. Điện, đường, trường, trạm… lúc đó chẳng có gì cả, internet lại càng xa vời", bà Lương Thị Thắm (44 tuổi), xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương chia sẻ.
Năm 2006, gia đình bà Thắm cùng hàng trăm hộ dân khác (thuộc dân tộc Thái và Khơ Mú) ở các xã: Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Tiến của huyện Tương Dương di dời về khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ huyện Thanh Chương. Đến năm 2009, vùng đất tái định cư mới được định danh là xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn.
Bà Thắm đã biến sản phẩm truyền thống của đồng bào người Thái thành hàng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập cao
Gia đình bà Thắm cũng như các hộ dân khác khi còn ở Tương Dương đều sống dưới tán rừng già, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng Nậm Nơn. Cuộc sống lúc đó là "4 không": không điện, không nước sạch, không đường, không trạm. Ngày ngày, họ lên nương trồng lúa, trồng ngô, lúc nông nhàn xuống suối bắt cá, vào rừng nhặt quả, hái măng. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày.
Khác với nơi núi rừng hoang thẳm ở Tương Dương, về xã Ngọc Lâm – lần đầu tiên bà Thắm tiếp cận với cuộc sống hiện đại khi có đường nhựa, biết đến xe máy, ô tô và cả internet. Thế nhưng, những hạ tầng thiết yếu đó vẫn khiến những người vốn quen với cuộc sống nơi núi rừng như bà Thắm gặp khó.
"Tất cả đều lạ lẫm, bỡ ngỡ. Về đây phải thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác, người dân loay hoay không biết làm cách nào. Không chỉ gia đình tôi mà tất cả người dân đều hoang mang và nung nấu ý định bỏ về quê cũ. Trước đây, chúng tôi làm nương, đất đai nhiều nên không lo thiếu lương thực. Về nơi ở mới, chúng tôi chẳng biết canh tác kiểu gì", bà Thắm kể lại.
Người Thái nói chung và bà Thắm nói riêng rất tỉ mẩn khi chế biến rượu cần và nếp cẩm
Bà Thắm cũng thừa nhận, những năm đầu khi thấy nhiều hộ dân bỏ về quê cũ, tinh thần của bà đã lung lạc. Thế nhưng, thời điểm đó bà mới sinh con nên ý định quay về quê đã không thành. Đúng lúc đó, bà nhận được sự động viên và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các đoàn thể, trong đó có Hội phụ nữ, bà Thắm đã dần dần thích nghi với cuộc sống mới.
Bà Thắm bắt đầu làm quen với nuôi nhốt trâu bò. Gia đình bà cũng học cách trồng chè, cây thế mạnh của huyện Thanh Chương. Đất rừng được giao, bà được cán bộ hướng dẫn trồng keo và sau 5 năm cây keo, cây chè đã cho thu nhập. Đời sống bắt đầu ổn định và từ đây bà Thắm bắt đầu phát huy "những thế mạnh" tại nơi ở mới.
"Tôi không có được sức khỏe tốt nên chủ yếu tập trung chăn nuôi lợn. Chăn nuôi ở đây rất thuận tiện từ việc mua thức ăn đến tiêu thụ. Tất cả chỉ cần một cuộc điện thoại là giải quyết được mọi việc", bà Thắm nói.
Thế nhưng theo bà Thắm "bước ngoặt" lớn nhất là vào năm 2016, bà đã "đánh liều" vay mượn để có số vốn ban đầu chuyển sang buôn bán các sản vật của đồng bào người Thái. Với người Thái, gần như ai cũng biết làm rượu cần, rượu nếp cẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong gia đình. Nhận thấy sản phẩm của đồng bào mình rất đặc biệt nhưng không được nhiều người biết đến, bà Thắm đã lên mạng xã hội tìm hiểu về cách thức quảng bá, bán các mặt hàng này.
Để rượu thơm ngon, phải chọn nếp nương và nấu cơm bằng củi
Từ chiếc smartphone (điện thoại thông minh), những vò rượu cần của bà Thắm bắt đầu vượt ra khỏi địa bàn xã Ngọc Lâm, đến với nhiều người tiêu dùng trong tỉnh. Thấy mọi việc thuận lợi, bà Thắm bắt đầu sản xuất với số lượng lớn hơn và số lượng tiêu thụ cũng ngày một nhiều hơn.
"Vào những dịp lễ Tết, mỗi ngày tôi bán cả chục vò rượu cần. Hiện tại thương hiệu Rượu cần Lương Thắm đã được đông đảo mọi người biết đến. Ngoài rượu cần tôi bán cả rượu nếp cẩm và nhiều sản vật của đồng bào người Thái. Từ chỗ nghề phụ, giờ buôn bán trở thành nghề chính và mang lại thu nhập tốt cho gia đình tôi. Bán hàng cũng rất đơn giản, tất cả đều giao dịch online. Khi có khách chốt đơn, tôi gửi đến tận nhà", bà Thắm cho biết.
Theo bà Thắm, để sản phẩm được đông đảo mọi người đón nhận chỉ quảng bá thôi không đủ mà điều kiện tiên quyết phải là chất lượng. Theo đó, cách chế biến rượu cần và nếp cẩm đều rất tỉ mỉ, công phu. Cụ thể, nếp phải là nếp nương được mua từ vùng cao Tương Dương, Kỳ Sơn về.
Cơm cũng phải được thổi bằng củi mới cho rượu ngon bởi nhiều lần bà Thẳm thử nấu bằng nồi cơm điện nhưng chất lượng không đảm bảo. Từ việc làm men, chọn gạo, chọn trấu phải đảm bảo yêu cầu. Việc ủ gạo, trấu cũng phải cẩn thận. Nếu quá nóng thì sẽ hỏng, quá lạnh không lên men được, rượu sẽ chua, nhạt… Để một vò rượu cần đạt chất lượng, phải trải qua 10-15 ngày ngâm, ủ.
Dù khá kỳ công nhưng với một người đã được mẹ truyền dạy nghề cho từ thuở nhỏ như bà Thắm, việc làm ra một vò rượu cần hảo hạng đều nằm trong tầm tay. Điều bà Thắm vui mừng hơn cả là bây giờ sản phẩm truyền thống của dân tộc mình đã được nhiều người biết đến và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà.
Công việc bán hàng của bà Thắm đều thông qua mạng xã hội
Cũng như bà Thắm, chị Trương Thị Hiền (35 tuổi), ở xã Thanh Sơn đã trở thành "thương nhân" có tiếng khắp vùng. Chị Hiền là người đã đưa sản phẩm thịt Giàng – tên gọi thịt gác bếp của đồng bào người Thái nơi đây trở nên nổi tiếng.
"Cách đây khoảng 10 năm, thấy mẹ chồng làm thịt Giàng rất ngon nên tôi thử đăng lên mạng xã hội. Không ngờ sản phẩm này được nhiều người đón nhận, nhất là ở thành phố Vinh. Từ chỗ "bán chơi", giờ nghề thành nghề chính của tôi và gia đình", chị Hiền chia sẻ.
Bà Lô Thị Thuận – Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm nói rằng, cuộc chuyển dịch từ Tương Dương về Thanh Chương đã mở ra một trang mới cho người dân. Về Ngọc Lâm điện, đường, trường, trạm đều đầy đủ. Trình độ của người dân được nâng cao, con trẻ được học hành đến nơi đến chốn.
Đặc biệt, nhờ có internet dân trí không ngừng được nâng lên khi người dân, nhất là giới trẻ được tiếp cận với kho tri thức nhân loại từ các phương tiện truyền thông hiện đại. Các nền tảng mạng xã hội phát triển đã giúp đồng bào quảng bá những hình ảnh của dân tộc mình ra với mọi miền đất nước.
Mạng internet giúp đồng bào bán các sản phẩm truyền thống ra thị trường, không còn bị giới hạn bởi địa lý. Mạng xã hội trở thành kênh kết nối trực tiếp với khách hàng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, bà con có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về kỹ thuật canh tác mới, giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả, cũng như các chính sách hỗ trợ nông nghiệp.