Huế: Cùng vượt nghèo với chị Lan
Ở phường Phú Hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao. Đời sống hội viên còn nhiều khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, chủ yếu là buôn bán nhỏ, phụ việc gia đình… Để vận động chị em vào hội không dễ, bởi, chị nào cũng suốt ngày tất bật với cơm áo gạo tiền, không dứt ra được. Cái tài của chị Lan là xây dựng nhiều mô hình nên hội viên nào cảm thấy phù hợp ắt hẳn sẽ tham gia.
Thật ngạc nhiên khi nghe chị Lan kể, những người tay hòm chìa khóa thích thú khi được vận động góp quỹ tiết kiệm và chi tiêu tiết kiệm. Mỗi ngày, các chị góp từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng vào “Tổ tiết kiệm tự nguyện”. Sau một thời gian, nguồn quỹ được xây dựng trên 1,4 tỷ đồng, giải quyết nhu cầu vay vốn tại chỗ cho trên 1.000 lượt phụ nữ vay buôn bán, sản xuất. Mô hình “Heo đất khởi nghiệp” do chị Lan phát động được chị em hưởng ứng tích cực. Với phương thức tự nguyện, tùy vào khả năng đóng góp của hội viên, những chú heo đất được các chị “vỗ béo” rất nhanh khi lên đến trên 250 triệu đồng, hỗ trợ cho 117 hội viên mượn vốn, không lãi suất.
Chị Lan thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, đời sống của phụ nữ, giúp họ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ các chương trình ưu đãi của Nhà nước. Thế nên, có trên 70% phụ nữ được Hội LHPN tín chấp nguồn vốn vay từ các ngân hàng, với số dư nợ là trên 9,6 tỷ đồng có 715 hộ vay. Nhiều chị có vốn trong tay nhưng loay hoay mãi khi không biết chọn nghề phù hợp, chị Lan đã thành lập và duy trì có hiệu quả mô hình Câu lạc bộ “Ánh Bếp” nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho hội viên chế biến thực phẩm và kinh doanh online. Những món ăn của Huế có cơ hội vươn xa khi có 6 thành viên trong câu lạc bộ hoạt động kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn trên facebook khá thành công.
Cách thức hỗ trợ hội viên thoát nghèo cũng không giống nhau. Những hội viên nghèo, cận nghèo, mất sức lao động được chị Lan xây dựng kế hoạch hỗ trợ vượt nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2023 là hộ với hình thức hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt mỗi tháng 500.000 đồng/hộ. Khi hỏi về kinh nghiệm vận động chị em tham gia vào hội, chị bảo, phụ nữ không chỉ biết quản lý đồng vốn để kinh doanh, buôn bán mà phụ nữ cần tự tin, làm chủ cuộc sống.
Câu lạc bộ “Tình chị em” được thành lập đã tập hợp được các chị là tổ trưởng, chi hội trưởng phụ nữ… nhằm rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động, tổ chức điều hành sinh hoạt tổ, nhóm. Từ đó, làm nòng cốt cho mọi phong trào, những mô hình mới xây dựng, sau đó rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng tại các chi hội cơ sở. Qua thời gian tham gia, cán bộ hội đã chủ động điều hành tổ chức các buổi sinh hoạt và có chị là những tuyên truyền viên xuất sắc tại cơ sở. Từ mô hình này có 7 chị là tiểu thương, buôn bán kinh doanh nhỏ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều chị Lan thấy tâm đắc, phong trào của hội ngày càng được chị em tham gia. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm nhanh qua từng năm, trong đó, vai trò Hội LHPN phường góp phần giảm 13 hộ nghèo. Ngoài ra, chị Lan cùng với hội viên xây dựng các mô hình “Đường hoa – vườn hoa”, “ Đường hoa ngũ sắc”, “Tuyến kiệt văn minh”, gắn với xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội, người dân dễ tham gia, sẵn sàng đóng góp tại nơi xây dựng mô hình.