Giữ nét quê hương trong tâm hồn trẻ nhỏ
Mấy ngày trước buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc kỷ niệm ngày mất của Giáo sư Trần Văn Khê do Hội quán Các bà mẹ tổ chức, con gái chị Nguyễn Anh Quỳnh Chi (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) nôn nao đến khó ngủ. Khoảnh khắc nhìn con mặc trên người chiếc áo dài vẽ hình các loại nhạc cụ truyền thống, đang thả hồn theo từng giai điệu đẹp bên cây đàn tranh, đàn tỳ bà sau nhiều ngày miệt mài tập luyện, chị Chi xúc động không nói nên lời. Chị nhớ lại lần đầu dắt con đến hội quán, khi đó Tuệ Minh vừa vào tiểu học, điều gì cũng lạ lẫm. Mới đó mà đã hơn chục năm trôi qua.
Những bà mẹ giữ hồn dân gian giữa phố
Năm nay Tuệ Minh 19 tuổi, học chuyên về đàn tranh, tỳ bà, tham gia biểu diễn nhiều nơi. Lúc mới theo mẹ ghé thăm các buổi chợ quê, sân chơi văn hóa tại Hội quán Các bà mẹ, cô bé chưa rành mặt chữ, chẳng chịu mặc áo dài hay mê mẩn nhạc cụ truyền thống như bây giờ. Theo trí nhớ của chị Chi, ngày ấy, Tuệ Minh ở nhà thấy buồn, vì muốn có thêm bạn nên quấn chân mẹ đi khắp nơi, chứ đâu biết gì chuyện đàn ca, sách vở. Vài lần ghé chơi thành thân, Tuệ Minh chủ động phụ các mẹ, các cô sắp xếp món này, món kia khi cần tổ chức buổi đọc chung hoặc trao đổi sách. Có lần, cô bé còn xung phong bán sách để hội quán gây quỹ từ thiện giúp các bạn nhỏ khó khăn ở miền núi. Sau lần đó, phiên chợ, sự kiện nào của hội quán cũng có mặt Tuệ Minh và mẹ.
Không lâu sau, chị Chi bắt đầu hướng cho con theo học âm nhạc dân tộc và Tuệ Minh chọn đàn tranh, đàn tỳ bà. Thời gian đầu làm quen, đôi chút xao nhãng, có khi Tuệ Minh thấy chán. Thế nhưng, trong một lần đến biểu diễn tại hội quán và cảm nhận rõ sự hào hứng của mọi người, Tuệ Minh cười tít mắt, đàn chẳng muốn ngưng. Ngay lúc đó, chị Chi biết, mình đã gieo được hạt mầm yêu thương nghệ thuật truyền thống trong trái tim con gái. Tuệ Minh trở thành tay đàn chính cho rất nhiều buổi biểu diễn tại hội quán cả chục năm nay. Chẳng chương trình nào Tuệ Minh nhận thù lao. Cô gái trẻ muốn tặng mọi người món quà tinh thần mình có được sau nhiều năm cùng mẹ miệt mài đến thăm hội quán.
Nhiều bạn nhỏ ghé hội quán giờ đã thuộc nằm lòng giai điệu của “Trống cơm”, “Lý ngựa ô”, “Xin chào Việt Nam”, “Việt Nam quê hương tôi”… cùng cách đàn, cách diễn của Tuệ Minh. Tuệ Minh thì khắc ghi mãi hình ảnh các mẹ, các cô, bạn bè đắm mình theo điệu nhạc và hát lên những khúc nhạc đậm chất dân ca trong những chương trình mà em góp mặt. Lớn hơn, Tuệ Minh bắt đầu bận rộn với lịch học, lịch diễn, nhưng chỉ cần nghe nói “Sắp tới hội quán có chương trình cần tình nguyện viên”, cô nàng liền nhờ mẹ đăng ký. “Từ những buổi biểu diễn tại hội quán, từ sự đón nhận của mọi người, con gái tôi ngày càng say mê âm nhạc dân tộc. Tuệ Minh hay nói, nơi con thích diễn nhất là hội quán vì gần gũi như ở nhà, vì có mẹ, có những người thân quen lắng nghe, hát theo. Biểu diễn cho những người thật sự yêu thích bao giờ cũng là điều hạnh phúc. Con bé cứ vậy mà đi theo các mẹ đến tận hôm nay. Không chỉ biểu diễn, con còn hướng dẫn các bạn nhỏ khác chơi đàn và truyền tình yêu nhạc cụ truyền thống cho rất nhiều người. Mong rằng từ những điều giản dị như thế sẽ có thêm nhiều bạn nhỏ thích âm nhạc dân tộc, yêu văn hóa quê nhà”, chị Chi vui vẻ cho hay.
Chủ nhiệm Hội quán Các bà mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy hay nói vui rằng, nếu không có những cặp mẹ con nhiệt tình như chị Chi và Tuệ Minh thì rất khó để một tổ chức phi lợi nhuận có thể duy trì đều đặn các hoạt động văn hóa cho trẻ hơn 10 năm nay. Một buổi chợ quê họp giữa phố vào mỗi cuối tuần, các chương trình đọc sách, dẫn trẻ đi chơi, thăm làng nghề hoặc những buổi giới thiệu về nét đẹp của áo dài, âm nhạc dân tộc, ẩm thực vùng miền đã và đang là các hoạt động chủ đạo của hội quán. Phần lớn các chương trình đều được tổ chức theo hình thức ai có gì góp nấy, không thì chung sức, miễn sao lũ trẻ thành phố có thêm nhiều trải nghiệm miền quê và hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống.
Hồi đầu, nghe chị Thúy rủ cả người bán lẫn người ghé Chợ quê giữa phố “Hãy mặc áo dài”, nhiều người thắc mắc sao bày vẽ quá? Vậy mà vài lần nên nếp, buổi chợ quê thành hoạt động ý nghĩa nhất của hội quán đến ngày hôm nay. Đó là nơi các cô, các mẹ góp nhặt từng món ngon vùng miền, từng mớ rau, phần bánh trái ngọt lành giới thiệu cho đám trẻ. Có nhiều món, trẻ thành thị chẳng biết gọi tên. Đó là nơi tụi nhỏ được nghe kể về áo dài, guốc mộc, nón lá hay các làng nghề mây tre lá, dệt truyền thống để tò mò xin ba mẹ đi tìm hiểu thêm. Đó cũng là nơi trẻ cùng ba mẹ nặn tò he, xếp đèn lồng hay xin chữ thư pháp những ngày giáp Tết. Nhìn áo dài người lớn, trẻ con khoe sắc khắp các góc chợ, chị Thúy cười, khoe thêm: “Ở đây, nhiều người mê áo dài lắm. Tụi mình không ép mà cứ khuyến khích, kể chuyện mãi, bọn trẻ thành thích nên muốn thử. Mà đâu cứ khăng khăng bắt trẻ mặc áo dài truyền thống, đội mấn làm gì, áo dài của hội quán có nhiều tranh vẽ, tranh thêu gần gũi với những câu chuyện các con biết trên lớp hay đọc từ sách. Cứ vậy, thành ưng, đi đâu tụi nhỏ cũng muốn mặc áo dài”.
Bất ngờ với con trẻ
Cách đây gần 5 năm, chị Trần Thị Thanh Hương lần đầu biết đến Hội quán Các bà mẹ. Ban đầu chị nhầm tưởng đây là tổ chức dành cho các người mẹ đơn thân nên muốn tham gia xem chia sẻ, đỡ đần được gì hay không. Nhưng khi đến nơi, chị bất ngờ pha lẫn thích thú khi nhận ra ngay giữa thành phố bộn bề lại có nơi tập hợp được nhiều bà mẹ sẵn lòng dành thời gian, công sức tạo ra những hoạt động tinh thần ý nghĩa cho trẻ em như thế. Khi đó, chị ấn tượng với Chợ quê giữa phố nên nhắn với chủ nhiệm hội quán rằng “Chị biết viết thư pháp và làm rất nhiều hoạt động thú vị cho các con. Chỉ cần em có chương trình cứ báo, chị thu xếp có mặt”. Sau lời nhắn ấy, chị Hương trở thành bà mẹ trụ cột tại hội quán đến tận bây giờ. Ngồi trò chuyện cùng nhau, nghe chị Hương nhắc lại lần đầu làm “bà đồ” ngay gốc đa cổ thụ tại Chợ quê giữa phố, chị Thúy, chị Chi cứ cười mãi.
Đó là lần đầu tiên chị Hương thấy mình lúng túng do mọi thứ diễn ra khác xa dự tính. Tham gia tặng chữ thư pháp tại chợ quê những ngày giáp Tết với khách chủ yếu là thiếu nhi, chị Hương nghĩ trẻ con bây giờ mê công nghệ, điện thoại, ti-vi chứ mặn mà gì với giấy mực. Có khi, nhiều bé còn chẳng biết thư pháp là gì. Vậy nên, chị chuẩn bị một lượng giấy vừa đủ, ngồi viết chữ thật đẹp đợi khách ghé thăm. Một khách, mười khách, vài chục khách, bọn trẻ thích thú khi được mẹ đưa ngang qua chỗ chị Hương ngồi tặng chữ. Giấy hết sạch trong chốc lát, chị Hương không kịp về nhà lấy, đành phải viết thư pháp trên lá đa. Cầm chiếc lá đa có những nét chữ chưa ráo mực, bọn trẻ cười vang, cảm ơn không ngớt. Chị Hương thấy vui lây. “Tôi không nghĩ tụi nhỏ lại thích thư pháp đến vậy, viết bao nhiêu chữ cũng thiếu. Vậy là đâu phải con trẻ ngó lơ văn hóa xưa, là do chúng ta chưa tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ tiếp cận, làm quen rồi tò mò, thích thú. Từ sau lần chuẩn bị thiếu đó, tôi thấy hào hứng với rất nhiều hoạt động của hội quán. Cứ ở đâu bọn trẻ cần, tôi đều chia sẻ trong khả năng”, chị Hương kể lại.
Chị Thúy cho biết vì không thu hội phí, quản lý hội viên nên ai hỏi Hội quán Các bà mẹ có bao nhiêu người, chị đều cười xòa, chịu thua. Chỉ biết mỗi khi ban chủ nhiệm gợi ý chương trình, số bà mẹ hưởng ứng bao giờ cũng đông. Hiện nay, ngoài việc giữ mô hình Chợ quê giữa phố, tổ chức nhiều hoạt động truyền cảm hứng mặc áo dài cho mẹ và bé, hội quán còn tập trung cho sân chơi văn hóa đọc và âm nhạc dân tộc. Chị Thúy nói, quà lớn nhất chị nhận về sau mười mấy năm “vác tù và hàng tổng” là sự thay đổi rõ rệt của bọn trẻ: “Ban đầu, nhiều bé rụt rè, có khi vùng vằng, khó chịu do nghĩ mẹ ép tới hội quán. Nhưng vài lần tham gia, thấy vui, các con rủ ngược lại các mẹ. Có nhiều bé khi lớn lên còn kêu gọi bạn bè đến hội quán nên về sau các chương trình thêm đông, vui lắm. Ở đây có sự gắn kết, giúp tôi nhìn thấy sự trưởng thành của các bé”.