Chiếc khăn của phụ nữ Chăm

26/04/2012
Đó là một trong những sản phẩm độc đáo ở Phũm Soài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) được phát triển từ thêu, rua thủ công sang làm bằng máy. Hiện tại, chiếc khăn phụ nữ Chăm đang bán qua Mỹ, một số nước Châu Á và Trung Đông thông qua người Chăm An Giang định cư nước ngoài và ký gởi đường hàng không Việt Nam.

Nói đến nghề dệt của đồng bào Chăm, người ta nghĩ ngay tới sản phẩm thổ cẩm đặc trưng, công phu và khéo tay của các nghệ nhân. Còn chiếc khăn dành cho nữ thì ít ai để ý tới, mặc dù nó cũng là một nét văn hóa gắn với sinh hoạt đời thường trong xóm Chăm. “Mặt hàng này, chỉ có ở Phũm Soài – Châu Phong, chứ ngoài ra không ở đâu có và có chăng cũng không khéo tay bằng” – anh Zac Ky, Phó ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang khẳng định. Việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải đã có lâu đời, là nghề chính của đồng bào Chăm ở An Giang. Trong đó, mỗi xóm Chăm lại có thêm sản phẩm phụ từ nghề truyền thống, chẳng hạn như: Cồn Tiên, La Ma… có đan, móc áo gối, màn treo cửa buồng (mặt hàng này chỉ tiêu thụ nội địa và bán cho người Chăm ở Campuchia); Đồng Ky, búng Bình Thiên, Khánh Mỹ… dệt chăng-sa-guông, mũ dành cho nam…

 

Chiếc khăn dành cho nữ gắn liền với tập tục đồng bào Chăm, thường được sử dụng khi đi ra khỏi nhà, có dịp lễ hội và ngay cả lúc ở trong nhà. Do vậy, chiếc khăn thể hiện nét văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp lộng lẫy người phụ nữ Chăm. Sản phẩm có nhiều màu, nhưng phổ biến là màu hột gà, có thêu, rua hoa văn rất độc đáo. “Những năm đầu, chiếc khăn dành cho nữ gốc đạo Hồi bán qua một số nước Châu Á và Trung Đông, rồi sang thị trường Mỹ. Dần dần việc tiêu thụ mạnh, mình mới thấy chắc ăn” – anh Hồ Sa Ích, nghệ nhân ở Phũm Soài kể. Đó là chuyện hồi còn làm bằng tay, số lượng ít, giá thành cao, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và các nước sản xuất với quy mô công nghiệp.

 

Khắc phục yếu điểm, nhiều nghệ nhân, người kinh doanh ở Phũm Soài phải bổ sung kinh nghiệm, tìm kiếm mẫu mã và thăm dò thị hiếu, thị trường. Vậy là, chiếc khăn dành cho nữ gốc đạo Hồi dần dà đứng vững thị trường nước ngoài, rồi phát triển thêm sản phẩm khăn, áo dành cho cả nữ và nam theo đạo Hồi.

 

Hiện tại, ở Phũm Soài có 5 – 7 hộ chuyên tổ chức sản xuất và kinh doanh 2 mặt hàng này, mỗi tháng xuất khẩu tiểu ngạch từ 30 – 40 thùng (60kg/thùng) các loại khăn và áo, với tổng giá trị hơn 20.000USD. Đặc biệt, là mọi giao dịch hầu hết đều ngồi tại nhà nhưng gần như tháng nào cũng có người Chăm của An Giang về thăm quê hương và sẵn dịp trao đổi mẫu mã, yêu cầu số lượng, nhận hàng lấy đi…; còn tiền bạc thì thanh toán qua hệ thống ngân hàng nên rất yên tâm; kích thích tâm lý hưng phấn đối với nghệ nhân, người tổ chức sản xuất, kinh doanh.

 

“Mấy người có vốn nhiều và làm ăn lớn phất lên, giúp đồng bào trong xóm có công ăn việc làm và thu nhập cải thiện gia đình” – anh Zac Ky, Phó ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho hay. Ví như một cái khăn hoặc cái áo thêu, rua hoàn chỉnh từ 25 USD đến 35 USD/cái, người gia công được hưởng 45.000 đến 50.000đ/cái và làm bằng tay một mình có khả năng được 2 cái/ngày; nếu làm bằng máy thì nhanh hơn 3 – 4 cái/ngày. Như vậy, thu nhập một lao động nữ làm bằng tay cầm chắc 90.000đ/ngày, còn làm bằng máy nhất định sẽ cao gấp đôi. Theo chị Roki Yah (nghệ nhân làng nghề Phũm Soài), điều thuận lợi hơn là người lao động không nhất thiết phải tập trung tại cơ sở, mà có thể nhận hàng về nhà làm gia công và giao nộp sản phẩm, thanh toán tiền bạc theo quy ước, quy cách; vả lại công việc thêu, rua không chỉ dành cho phụ nữ lành nghề, đối với thiếu nữ cũng tham gia được theo từng khâu.

 

Làng nghề dệt thổ cẩm Phũm Soài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) luôn được hỗ trợ từ các chương trình, dự án. Song, thực tế hoạt động gặp không ít thăng trầm, đời sống đồng bào khó khăn khi sản phẩm tiêu thụ chậm, thị trường chưa được mở rộng. Riêng mặt hàng khăn, áo dành cho nữ và nam theo đạo Hồi vẫn được duy trì, thích ứng khá tốt, giúp cho hơn 100 lao động trong làng nghề có công ăn việc làm và cải thiện thu nhập kinh tế gia đình. Mới đây, Phũm Soài được chọn là 1 trong 15 điểm du lịch nông nghiệp của Dự án Du lịch nông dân An Giang, hy vọng “chiếc khăn phụ nữ Chăm” sẽ được khuếch trương mạnh hơn, vì đây cũng là sản phẩm của homestay.

Theo báo An Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video