Chi hội trưởng Phụ nữ nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo

Suốt 5 năm qua, bất cứ khi nào nhận được cuộc gọi quyên góp, dù chỉ là vài bao chai nhựa, quần áo cũ hoặc thùng mì ăn liền, gói bột ngọt...bà Thanh cũng tranh thủ thu xếp công việc đến nhận bất kể nắng hay mưa. Tấm lòng nhân ái, nhiệt tình trong hoạt động thiện nguyện của bà Thanh đã giúp người dân khó khăn trong khu phố trang trải cuộc sống.
Chia sẻ về ý định giúp đỡ người nghèo, bà Thanh cho biết: Năm 2018, khi có Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, bà mạnh dạn đề xuất với Chi hội phụ nữ Phường 6 thực hiện mô hình “Biến rác thải thành tiền”.
Thời gian đầu thực hiện mô hình, người dân chưa quen với việc phân loại rác thải nên bà Thanh đến từng hộ vận động, hướng dẫn. Ban đầu, mô hình này được triển khai tại bốn khu phố của phường. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, chỉ còn Khu phố 3 duy trì mô hình để tiếp tục giúp đỡ người nghèo, bệnh tật, neo đơn.
Trung bình từ ba đến bốn tuần, bà Thanh gom ve chai bán được khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Từ số vốn ít ỏi đó, bà Thanh vận động các nhà hảo tâm, kêu gọi quyên góp để thực hiện những buổi nấu cơm từ thiện cho người nghèo. Những phần ăn miễn phí trong khu phố đa phần do chính tay bà Thanh nấu và đem phát. Thỉnh thoảng, khi kêu gọi được nhiều suất cơm từ thiện, bà Thanh chia cho Chi hội trưởng các khu phố còn lại phát tận tay cho người nghèo trong phường.
Nhận thấy sự thiết thực, ý nghĩa của mô hình, nhiều người dân đã trở thành “mối quen” để dành ve chai cho bà Thanh. Sau khi gom các rác thải có thể tái chế như: chai nhựa, lon bia, thùng carton… người dân lại gọi bà Thanh đến lấy và đem về điểm tập kết.
Ngoài nhà riêng, bà Thanh còn mượn sân thượng nhà bà Nguyễn Thị Triều (Phường 6, Quận 10) làm điểm tập kết rác thải nhựa. “Nhiều người nói tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thích lo chuyện bao đồng, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm vì mô hình này không chỉ giúp người dân tạo thói quen phân loại rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mà còn tạo nguồn quỹ nhỏ hỗ trợ cho các cô, chú khó khăn”, bà Thanh tâm sự.
Từ nguồn quỹ bán ve chai hoặc tiền, quà vận động được từ các nhà hảo tâm, bà Thanh “mua hạnh phúc” cho người nghèo bằng cách chăm lo thường xuyên cho những hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Với người lớn tuổi sống neo đơn, thay vì trao tiền mặt, bà Thanh mua các loại lương thực, thực phẩm như sữa, gạo, nước yến… và giao đến tận nhà. Khi tiền bán ve chai không đủ để mua quà nhưng chưa kịp vận động các nhà hảo tâm, bà Thanh sẵn lòng bù tiền túi để chăm lo chu đáo cho một số hoàn cảnh đặc biệt.
Ðơn cử vào tuần vừa rồi, sau khi bán ve chai và thu được hơn 300.000 đồng, bà Thanh tự góp thêm tiền mua vài thùng mì, hộp bánh… và tranh thủ giờ nghỉ trưa đi trao quà cho ba hoàn cảnh khó khăn trong khu phố. Bà Nguyễn Thị Kim Thu (trú tại 50/11 Nguyễn Kim, Phường 6, Quận 10) không còn đủ sức khỏe mưu sinh, là một trong những người dân được bà Thanh quan tâm, lui tới thăm hỏi và trao quà thường xuyên.
Nhận được phần quà từ bà Thanh, bà Thu xúc động: “Tôi rất biết ơn chị Thanh vì khi có cơm ngon, quà bánh, chị luôn dành cho tôi một phần. Với tôi, chị Thanh là người rất có tâm và tốt bụng”. Bà Nguyễn Thị Tố Vân (trú tại 11/15 Nguyễn Lâm) bị đục thủy tinh thể và bà Lê Tuyết Hoàng (trú tại 12/4 Nguyễn Lâm) cùng ngụ Phường 6, Quận 10 đã ngoài 70 tuổi, bị cườm mắt, cũng là người dân khó khăn được bà Thanh trao quà, thăm hỏi.
Với tấm lòng nhân ái, nhiệt tình, bà Thanh chưa bao giờ từ chối cơ hội giúp đỡ người khác. Hễ nghe ai gian nan, neo đơn bà Thanh liền thu xếp đến ngay để gửi nhu yếu phẩm. Trong giai đoạn dịch Covid-19, bà Thanh tham gia nhiều hoạt động như: May khẩu trang kháng khuẩn miễn phí, nấu ăn và tiếp tế lương thực cho các khu cách ly, làm tình nguyện viên tại các điểm xét nghiệm…
Tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát của trẻ mồ côi vì Covid-19, bà Thanh đã vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho các cháu trong suốt mùa dịch. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Mẹ đỡ đầu các cháu mồ côi do Covid-19, bà luôn cố gắng kêu gọi hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập, phương tiện đến trường và quà Tết cho các cháu. “Những phần quà nhỏ tuy không đáng bao nhiêu, nhưng đó là món quà động viên tinh thần, giúp các cháu biết rằng mình vẫn được quan tâm, chăm sóc”, bà Thanh chia sẻ.