Cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06/10/2024
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp mẹ khỏe, con khỏe. Tuy nhiên, ở các vùng dân tộc thiểu số, do điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu hiểu biết về dinh dưỡng, nhiều phụ nữ vẫn không nhận đủ dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ.
Cán bộ phụ nữ xã cùng y tế thôn bản đến thăm hỏi, tuyên truyền cho chị em về chăm sóc dinh dưỡng thai kỳ

Mang thai con đầu lòng ở tuổi 15, Lý Thị My, sinh năm 2008, người dân tộc Mông ở xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chỉ đi khám thai duy nhất một lần khi chuẩn bị sinh. Do điều kiện gia đình khó khăn, lại mang thai khi tuổi đời còn quá trẻ nên cả thai kỳ My không có được chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho cả mẹ và con. Không sữa bầu, không dùng vi chất, thức ăn hàng ngày trong cả thai kỳ chỉ là cơm, rau dại, thỉnh thoảng mới được một bữa có thịt. Vì vậy nên con trai của My chào đời nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn.

"Em sinh con lúc 36 tuần, chỉ được 2,5kg. Lúc bầu và cả bây giờ cho con bú nhà cũng có gì ăn nấy thôi, không được bồi bổ gì. Cán bộ phụ nữ cũng vận động em đi khám thai nhưng em không dám đi vì xấu hổ với mọi người. Chồng thì mới 17 tuổi, tính trẻ con, chỉ lo chơi, chưa biết chăm sóc vợ con. Bên y tế cũng đến phát thuốc sắt, vitamin cho nhưng em bị nghén nên không uống được"- Lý Thị My chia sẻ.

Khác với My, chị Lý Thị Hoa (sinh năm 2000), xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, đang mang thai tuần thứ 31, tỏ ra rất vui mừng khi được cán bộ y tế phát viên đa vi chất dinh dưỡng. Chị cho biết: "Hôm trước mình mới đi siêu âm, bác sĩ nói con được 1,6kg rồi, cân nặng đạt tiêu chuẩn theo tuổi thai. 2 con lớn và cả con thứ 3 sắp sinh này mình đều chú trọng việc ăn uống từ khi mang thai, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Chồng đi làm hàng tháng gửi tiền về nên mỗi ngày đi chợ mua thức ăn cho mấy mẹ con, thịt cá tùy bữa. Mình trồng thêm đậu ván, rau ngót, mướp, bí đỏ và một số loại rau khác, nhà cũng nuôi được hơn 20 con gà, lấy trứng ăn và thỉnh thoảng thịt ăn. Các bác sĩ ở trạm y tế đã tư vấn cách ăn và hướng dẫn uống mỗi ngày 1 viên đa vi chất."

Để chủ động nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng trong thai kỳ cũng như nuôi con nhỏ, chị Lý Thị Hoa, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã nuôi gà đẻ trứng, lấy thịt, trồng thêm các loại đậu, rau xanh

Ông Nông Văn Nghị, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm cho biết, chương trình bổ sung đa vi chất cho các bà mẹ mang thai và sau sinh một tháng đã được triển khai từ năm 2019.

"Thời điểm hiện tại, Trạm Y tế xã Giáo Hiệu đang quản lý 13 phụ nữ mang thai. Đối với các thôn xa trung tâm, việc đảm bảo dinh dưỡng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng. Vì vậy việc triển khai uống đa vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai giúp chị em phòng chống thiếu vitamin, khoáng chất tốt hơn. Hiện 100% chị em ở địa phương được cấp phát uống đa vi chất dinh dưỡng hàng tháng"- ông Nghị chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm đang chia sẻ kiến thức về làm mẹ an toàn cho những phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ tại Trạm Y tế xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn

Theo bà Ma Thị Thứ, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, Hội LHPN các xã, chi hội trưởng phụ nữ thôn đã phối hợp với trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động phụ nữ đang mang thai đi khám định kỳ, chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho thai phụ.

"Pác Nặm là huyện xa xôi nhất của tỉnh Bắc Kạn với hơn 98% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều nơi điều kiện kinh tế của chị em vẫn gặp khó khăn. Vì vậy, trường hợp vì trời mưa, đường đi nguy hiểm, không tới trạm được, cán bộ phụ nữ lại cùng y tế thôn bản đưa thuốc tới tận nhà để đảm bảo các thai phụ không uống gián đoạn. Không chỉ vậy, Hội LHPN các cơ sở còn thường xuyên phối hợp cùng trạm y tế xã tổ chức truyền thông, trình diễn bữa ăn dinh dưỡng hướng dẫn cho chị em đang mang thai và nuôi con nhỏ về những kiến thức liên quan"- bà Thứ cho hay.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nhiều bà mẹ mang thai ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu vẫn ăn theo khẩu phần ăn của người bình thường. Nhưng trong quá trình mang thai nhu cầu của bà mẹ về năng lượng và những vi khoáng là vô cùng quan trọng bởi vì liên quan đến việc đảm bảo dưỡng chất cho em bé trong bụng, nhu cầu đòi hỏi rất cao, tuy nhiên chưa đáp ứng được. Chính vì thế nhiều trẻ em dân tộc thiểu số sinh ra với cân nặng và chiều cao không đạt chuẩn, thuộc thể trạng suy dinh dưỡng.

"Việc đầu tiên, ngay từ trước khi mang thai, các bà mẹ nên chuẩn bị hành trang về sức khoẻ để hạn chế được những vấn đề về suy dinh dưỡng chẳng hạn. Một bà mẹ chuẩn bị mang thai nhưng lại bị suy dinh dưỡng thì con sẽ khó phát triển tốt, nên điều chỉnh luôn, đặc biệt nếu có tình trạng thiếu máu thì phải điều trị ngay. Cần chú ý một chế độ dinh dưỡng phù hợp với cân nặng của mỗi người, điều này nên tham khảo từ bác sĩ phụ trách thăm khám, theo dõi thai kỳ"- bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

 

Trong quá trình mang thai, phụ nữ cần được bổ sung đầy đủ các nhóm chất thiết yếu, chất bột đường, chất đạm, chất béo, các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất:

- Chuẩn bị trước khi mang thai hay vừa biết có thai, mẹ bầu cần bổ sung acid folic giúp phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung viên uống acid folic có thể kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ. Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày cần bổ sung những thực phẩm chứa nhiều acid folic như bông cải xanh, quả bơ, đu đủ chín, chuối, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa…

- Phụ nữ đang mang thai nên bổ sung các thực phẩm như sữa, súp lơ xanh, bắp cải, cần tây, trái cây, ngũ cốc, cá, tôm, lòng đỏ trứng, sữa, nước cam… để tăng cường canxi và vitamin D cho chính bản thân cũng như hỗ trợ cho sự phát triển xương của thai nhi.

- Thai phụ có thể bổ sung chất đạm từ thịt nạc, thịt gia cầm, cá và trứng... Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung đạm từ thực vật như các loại đậu đen, đậu xanh, đậu Hà lan, các loại hạt hạnh nhân, mắc ca, óc chó, đậu nành .và các sản phẩm từ đậu nành...

- Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ bầu tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, bổ sung sắt cho mẹ bầu là vô cùng cần thiết. Mẹ bầu nên bổ sung sắt qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, rau muống, củ dền, bí ngô, các loại trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường hấp thu chất sắt, bên cạnh đó là sử dụng các viên sắt uống bổ sung tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video