Bắc Kạn: Những mô hình Dự án 8 mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số

14/08/2024
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn với các mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng, Tổ truyền thông cộng đồng đã đạt được hiệu quả thiết thực, mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Truyền thông phòng chống bạo lực gia đình tại thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm

Địa chỉ tin cậy cộng đồng - điểm tựa cho phụ nữ bị bạo lực gia đình

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng là 01 trong 04 mô hình nòng cốt của Dự án 8. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng với mục đích tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình; đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn. Mô hình do UBND xã thành lập, quản lý, gồm các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng như Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, người dân... Thành viên tham gia mô hình sẽ có trách nhiệm tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và hôn nhân gia đình; hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị BLGĐ có chỗ tạm lánh, tạm trú. Bên cạnh đó, mô hình sẽ hỗ trợ nạn nhân được chăm sóc y tế, thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, tình huống, là nơi hòa giải, giúp nạn nhân hàn gắn gia đình sau mâu thuẫn. Đối với trường hợp hòa giải không thành công, các thành viên trong Ban quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy” sẽ tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý để giải quyết, giúp nạn nhân tránh khỏi BLGĐ.

Từ mô hình điểm tại thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, tính đến tháng 7 năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp thành lập được 40 “Địa chỉ tin cậy”, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Mô hình được bố trí tại nhà Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng phụ nữ, Trạm y tế,… Việc xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” không chỉ nhằm giúp chị em, trẻ em có nơi lánh nạn khi bị bạo hành mà còn có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình; trang bị kiến thức, kỹ năng giúp phụ nữ, trẻ em tự bảo vệ mình… Vì thế, nhiều chị em khi được tuyên truyền về lợi ích của mô hình đã tích cực tham gia đóng góp vật dụng, đồng thời giới thiệu rộng rãi trên nhóm zalo của các thôn để không chỉ chị em phụ nữ biết mà các ông chồng cũng biết để hiểu hơn về lợi ích của mô hình. Hầu hết, các thành viên phụ trách mô hình đều rất nhiệt tình với công việc. Không chỉ hỗ trợ nạn nhân tạm lánh, các thành viên của địa chỉ còn phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ… Từ đó, giảm nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc và tình cảm trong gia đình, là một trong hai nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình.

Ông Đàm Văn Trung - Bí thư Chi bộ thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông cho biết, trong thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn do các nạn nhân bị bạo lực gia đình thường che giấu, ngại chia sẻ, khó tiếp cận nhưng các thành viên mô hình đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cả phụ nữ và nam giới cùng thực hiện tốt vai trò trách nhiệm trong gia đình; mô hình “Địa chỉ tin cậy” đang ngày càng phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ các nạn nhân. Đối với những vụ bạo lực gia đình mang tính chất phức tạp, chúng tôi phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và Công an xã cùng giải quyết.

Chị Nguyễn Thị Thương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông chia sẻ, mô hình "Địa chỉ tin cậy” tại thôn Cây Thị được thành lập từ đầu tháng 10 năm 2023 đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, là địa chỉ tin cậy giúp chị em có nơi tạm lánh nếu có điều không may xảy ra; đồng thời góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy”, trong thời gian tới các cấp Hội Phụ nữ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; giới thiệu việc làm và hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân để giúp họ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, tăng cường công tác nắm bắt, quản lý địa bàn, quản lý các trường hợp có nguy cơ bị bạo lực để chủ động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, xác định phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các trường hợp bạo lực.

Ông Đàm Văn Trung - Bí thư Chi bộ thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông cùng một số vật dụng hỗ trợ nạn nhận khi bị BLGĐ

Tổ truyền thông cộng đồng giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Mô hình Tổ truyền thông cộng đồng nhằm thu hút sự tham gia của cả nam giới và nữ giới trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương. Đây là mô hình dân vận khéo, hướng đến thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo hướng tích cực, có lợi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những hủ tục trên địa bàn, giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 07 mô hình điểm cấp tỉnh tại 07 thôn đặc biệt khó khăn, trên cơ sở đó đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo, triển khai, nhân rộng mô hình tại các thôn đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Cho đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã thành lập 366/380 mô hình Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn đặc biệt khó khăn.

Mỗi tổ truyền thông cộng đồng có từ 7 đến 10 thành viên, các thành viên tự nguyện tham gia mô hình, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, ít nhất mỗi tháng một lần lồng ghép trong các buổi họp thôn, họp mặt trận, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên...

Gần 2 năm qua, cứ đều đặn một lần mỗi tháng, các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lỏong Lứng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể lại tổ chức họp, đi tuyên truyền các kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, hôn nhân cận huyết thống; vận động trẻ em bỏ học trở lại trường; phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người, di cư bất hợp pháp... Nhờ vậy, nhận thức của người dân trong thôn ngày càng được nâng cao.

Trưởng thôn Lỏong Lứng, kiêm Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng Tô Thị Bưởi cho biết, thôn có gần 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Từ khi thành lập Tổ truyền thông cộng đồng, các thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc đảm bảo tiếng nói, quyền của phụ nữ và trẻ em, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới.

“Là phụ nữ, lại đảm nhiệm vai trò trưởng thôn và tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng, hơn ai hết, tôi nhận thấy để thúc đẩy bình đẳng giới thì chính những người phụ nữ phải nỗ lực hằng ngày để học hỏi, nâng cao kiến thức, chủ động trong mọi công việc để có được cuộc sống công bằng, hạnh phúc. Hiện nay, trên địa bàn thôn, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường và phụ nữ cũng ngày càng tự tin thể hiện bản thân, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả”, chị Bưởi chia sẻ.

Ngọc Lan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video