“Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023”: Tôn vinh văn hóa, nét đẹp phụ nữ miền Tây

29/09/2023
“Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023” diễn ra từ 29/9 - 1/10 là sự kiện văn hóa lần đầu tiên được tỉnh Hậu Giang tổ chức nhằm tôn vinh chiếc áo bà ba - nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Những ngày qua, không khí festival đã rộn ràng với nhiều hoạt động hưởng ứng.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh Hậu Giang trong trang phục áo bà ba

Xinh tươi trong chiếc áo bà ba

Bà Hoàng Thị Thu - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang - cho biết: “Với mục đích quảng bá hình ảnh chiếc áo bà ba, tôn vinh giá trị truyền thống của trang phục dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, giá trị truyền thống trong mỗi phụ nữ, người dân, Hội LHPN tỉnh đã phát động tuần lễ áo bà ba từ 25/9 - 1/10.

Theo đó, hội khuyến khích tất cả nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh ưu tiên mặc áo bà ba trong các hoạt động nơi công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện trong gia đình và xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp”.

Theo bà Hoàng Thị Thu, ngay sau khi phát động tuần lễ áo bà ba, rất nhiều chị em phụ nữ từ thành thị đến nông thôn tích cực hưởng ứng và rất vui khi mặc trang phục này. Ở các công sở, nơi tiếp dân, chị em làm công tác văn phòng cũng mặc áo bà ba khi làm việc, tạo nên nét duyên dáng và dịu dàng của người phụ nữ. 

Bà Nguyễn Thị Diễm - Chủ tịch Hội LHPN xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) - thông tin: “Toàn xã có 5 ấp với hơn 800 chị em là hội viên phụ nữ. Chị em rất đồng lòng hưởng ứng tuần lễ áo bà ba. Các nữ giáo viên hằng ngày đến trường, những buổi họp tổ, hoạt động câu lạc bộ phụ nữ… chị em đều mặc áo bà ba, trông rất dễ mến.

Cơ bản, ai cũng “mê” chiếc áo bà ba, nhưng đây là lần đầu tiên được mặc đồng loạt từ nhà cho đến các hoạt động ngoài xã hội nên ai cũng thích và có cảm giác mới hơn”. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội LHPN TP Vị Thanh - cho hay, trước đó, trong các hội thi, hội diễn, nhất là các hội thi ẩm thực, làm bánh dân gian… hội đều khuyến khích chị em mặc áo bà ba.

Nhưng lần này thì phát động sâu rộng đến mọi người. Lãnh đạo hội phân công nhiệm vụ cho từng thành viên như tuyên truyền, vận động tiểu thương các chợ cùng mặc áo bà ba, phát động trong toàn hội viên, vận động người dân hưởng ứng… Từ đó tạo nên phong trào mặc trang phục áo bà ba rộng khắp. 

Bà Nguyễn Thu Tâm - một tiểu thương ở TP Vị Thanh - cảm nhận: “Mặc áo bà ba vừa đẹp, lại gọn gàng, không vướng víu trong hoạt động buôn bán. Phụ nữ mặc trang phục này coi cũng xinh tươi, nền nã, dịu dàng hơn và khách đến mua hàng họ cũng cảm nhận được sự thân thiện, không còn tâm lý e ngại bị “chặt chém”, nâng giá”. 

Tại Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, những ngày qua, tất cả nữ cán bộ, công chức và người lao động cũng ưu tiên chọn mặc trang phục áo bà ba trong các hoạt động. 

Cô Huỳnh Thị Nguyệt - giáo viên về hưu ở thị xã Long Mỹ - hồi tưởng: “Trước đây khi đi dạy học cô chọn mặc áo bà ba. Hồi đó, áo dáng suông, cổ tròn chít eo thấp, tay rộng, mặc rất thoải mái. Có thể nói, áo bà ba gắn bó nhiều năm và cho cô nhiều kỷ niệm đẹp. Vì vậy, với sự kiện lần này, cô sẽ mặc áo bà ba cả tuần, đồng thời vận động bạn bè cùng hưởng ứng…”. 

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa

Theo bà Hồ Thu Ánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, “Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023” lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn sự độc đáo, ấn tượng, mang đậm nét văn hóa của người miền Tây nói chung và Hậu Giang nói riêng.

Thông qua sự kiện này, Hậu Giang mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước. 

Cũng theo bà Hồ Thu Ánh, một trong những điểm đặc biệt của festival là vải dùng để may nên những chiếc áo bà ba được làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen được trồng rất nhiều trên vùng đất phèn ở Hậu Giang), kết hợp tơ tằm do những nghệ nhân dệt tơ tằm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) và làng lụa Nha Xá (Hà Nam) thực hiện. 

Nhà thiết kế Minh Hạnh - Tổng đạo diễn “Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023” - cho hay, chỉ riêng chương trình nghệ thuật đêm khai mạc “Nụ cười Hậu Giang”, nhiều người sẽ được xem những màn trình diễn áo bà ba rất gần gũi, thân quen và bình dị.

Diễn viên trình diễn là người dân Hậu Giang, đủ mọi tầng lớp như công chức, viên chức, các em học sinh, nông dân, tiểu thương… cùng tham gia. Mỗi sự kiện ở festival là một điều đặc biệt, một câu chuyện về truyền thống, về nét văn hóa độc đáo của địa phương. 

Điển hình như các gian hàng ẩm thực sẽ tạo ra một không gian khác biệt, từng chi tiết được thiết kế hài hòa, gần gũi nhất có thể, nhưng không xuề xòa, mà phải sạch sẽ, các món ăn được chọn lựa và chế biến vừa ngon vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Hay như triển lãm áo bà ba xưa và nay cũng được chắt lọc những gì đặc sắc nhất có thể, để kể lại câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi… 

“Thông điệp mà chúng tôi muốn mang đến là cùng nhau phát huy và giữ gìn những bản sắc văn hóa tốt đẹp của miền sông nước Nam Bộ” - nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ. 

Có gì ở “Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023”?

“Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023” diễn ra từ 29/9 - 1/10 với các hoạt động chính như: triển lãm tranh áo bà ba xưa và nay, trình diễn áo bà ba trên sông, giới thiệu ẩm thực với những gian hàng triển lãm các sản phẩm OCOP Hậu Giang, các gian hàng trưng bày và may áo bà ba…

Bà Hồ Thu Ánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho rằng, lãnh đạo tỉnh tổ chức sự kiện này với mục tiêu tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Hậu Giang; đồng thời tôn vinh chiếc áo bà ba của người phụ nữ Nam Bộ nói chung, phụ nữ Hậu Giang nói riêng; đưa sự kiện trở thành đặc sắc riêng của tỉnh, được tổ chức định kỳ.

Đây sẽ là sự kiện văn hóa đặc biệt, mới, lạ, nhưng gần gũi và ý nghĩa nhằm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh. 

 

Ngày 6/9, trong chuyến về thăm Hậu Giang, ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam - bộc bạch: “Đến Hậu Giang, đi đâu cũng cảm nhận sự gần gũi, thân thiện. Nhất là có dịp gặp gỡ 10 nghệ nhân ẩm thực đang trình diễn hơn 30 món ăn đặc sắc nhằm chuẩn bị cho festival áo bà ba.

Hương vị của các món ăn, cũng như sự hòa quyện của nguyên liệu, sự khéo léo kết hợp của các đầu bếp làm cho các món ăn thêm đậm vị. 2 nguyên liệu chính để làm nên những món ăn này đều là sản vật của Hậu Giang - khóm và cá thát lát. Đặc biệt, khi được mặc áo bà ba làm cho tôi rất yêu thích khám phá văn hóa vùng, miền ở Việt Nam. Sắp tới, tôi sẽ trở lại và mời thêm những người bạn của mình cùng đến…”.

Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam - mặc áo bà ba khi đến Hậu Giang

https://www.phunuonline.com.vn/

TÂM ĐIỂM

Video