Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp
Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 300 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực gia đình và giới; Hội LHPN 63 tỉnh/thành phố.
UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – PGS.TS Bùi Nhật Quang cùng các đồng chí lãnh đạo hai cơ quan đồng chủ trì hội thảo.
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Diễn ra vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Hội thảo có ý nghĩa sâu sắc, nhằm trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giá trị gia đình Việt Nam; những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm của Hội LHPN Việt Nam; đồng thời, đề xuất, gợi ý các phong trào, cuộc vận động về gia đình với những tiêu chí cụ thể phù hợp để triển khai thời gian tới.
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có bài phát biểu quan trọng về Gia đình và Gia đình Việt Nam. Khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hội thảo, Chủ tịch Hà Thị Nga nêu rõ: “việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ, của xã hội; đồng thời xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội Phụ nữ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII”.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo
Thông qua hội thảo, Chủ tịch mong muốn sẽ có được những căn cứ khoa học và thực tiễn về bốn nhóm giá trị gia đình thời gian tới, gồm: Các giá trị đạo đức, nề nếp, nhân văn trong văn hoá gia đình Việt Nam; Giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình Việt Nam; Các giá trị kinh tế của gia đình hướng tới xây dựng gia đình sung túc, thịnh vượng; Yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình Việt Nam hiện đại; cùng một số vấn đề khác định vị những giá trị cốt lõi, quan trọng đối với giá trị gia đình trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá, hội thảo thể hiện đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII về gia đình, đồng thời cụ thể hoá được những nhiệm vụ, những hoạt động mà các nhà nghiên cứu, quản lý, và hoạt động thực tiễn cần tiếp tục triển khai để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Đồng thời, khuyến nghị “Trung ương Hội LHPN Việt Nam xem xét, xây dựng phong trào thi đua vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, lấy phụ nữ và Hội Phụ nữ các cấp làm hạt nhân nhằm bảo vệ các truyền thống giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giúp từng gia đình và hệ thống chính sách có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức của môi trường khách quan, để gia đình thực sự là nơi an toàn cho mỗi cá nhân tìm về, vợ chồng bình đằng, cùng nhau xây dựng gia đình thịnh vượng, bền vững và văn hoá, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc”.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo “Một số giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và những vấn đề đang đặt ra”, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới nêu rõ các biểu hiện của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống luật pháp, chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của gia đình. Bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị,… Báo cáo chỉ rõ “thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước”. Từ đó, báo cáo khuyến nghị bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là An toàn, Thịnh vượng, Trách nhiệm, Bình đẳng giới.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới với phần Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo “Một số giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và những vấn đề đang đặt ra
Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, quản lý, xây dựng chính sách, hoạt động thực tiễn, quy tụ được sự thảo luận từ cả góc độ khoa học và thực tiễn với 52 bài viết đề cập đến các chiều cạnh khác nhau của giá trị gia đình cả về mặt khái niệm, lý luận, phương pháp và những giá trị thực tiễn thông qua các khuyến nghị chính sách dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học tin cậy. Từ các giá trị gia đình truyền thống đến hiện đại, từ các giá trị gia đình chung, đến các giá trị của nhóm gia đình cụ thể, từ bàn luận các vấn đề lí luận đến thực tiễn của các lĩnh vực giá trị gia đình, như giá trị hôn nhân, con cái, quan hệ gia đình, giáo dục gia đình, kinh tế hộ, các vấn đề tâm lý, tình cảm của gia đình; sự biến đổi sâu sắc về cấu trúc và quy mô, chức năng, thang giá trị gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và các thiết chế xã hội khác. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với việc nghiên cứu, xác định và triển khai gắn với giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, như định hướng tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Kết quả của hội thảo sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu phục vụ quá trình xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
* Trước đó, PGS.TS. Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga được bầu vào Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII, Đại biểu Quốc hội khóa XV