Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam dâng hương tưởng nhớ công lao Nữ tướng Lê Chân

14/06/2023
Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khóa XIII, sáng nay (14/6), Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã tới dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài Nữ tướng Lê Chân nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của Bà- một trong những nữ tướng tiên phong, kiệt xuất thời kỳ Hai Bà Trưng
Thường trực Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam (hàng đầu) dâng hương tưởng nhớ công lao Nữ tướng Lê Chân

Tham dự Lễ dâng hương có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Các đồng chí Phó Chủ tịch Hội; đại biểu Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW LHPN Việt Nam khóa XIII.

Đoàn đại biểu thành kính dâng hoa tưởng nhớ Anh linh Nữ tướng

Trước tượng đài Nữ tướng Lê Chân, các đại biểu đã cùng ôn lại lịch sử đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, phụ nữ Việt Nam, trong đó thời kỳ Hai Bà Trưng có Nữ tướng Lê Chân. Bà Lê Chân quê gốc ở làng An Biên, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Mùa xuân năm 40, quân Đông Hán xâm lược nước ta. Thái Thú Tô Định khi qua miền Đông Triều, dùng quyền thế của mình để ép Lê Chân làm vợ, nhưng bà nhất mực từ chối. Chuyện cầu hôn không thành, Tô Định đã hãm hại cả bố, mẹ Lê Chân – Bà quyết chí đền nợ nước, trả thù nhà, đi tìm thầy luyện võ nghệ, binh thư. Bà di cư đến vùng đất An Biên, An Dương, Hải Phòng, bắt tay vào khai khẩn đất hoang, lập ấp mở làng, tích trữ lương thảo, sắm sửa vũ khí và thu nạp quân sĩ, binh mã. Khi đã có lương thảo, quân sĩ trong tay, Lê Chân gặp Hai Bà Trưng để xin được tham gia đánh giặc. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà được phong là Thánh Chân Công chúa, giao giữ chức “Chưởng quản binh quyền nội bộ” trở về trấn ải vùng Đông Triều Quảng Ninh và An Biên, Hải Phòng. Tại An Biên - Hải phòng, Nữ tướng tiếp tục cho mở rộng trang trại vận động nhân dân khai khẩn đất hoang dọc theo sông Tam Bạc, biến thành đồng lúa, nương dâu và đặt cho vùng này là An Biên trang.

Các đại biểu dâng hương, ôn lại lịch sử đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, phụ nữ Việt Nam, trong đó thời kỳ Hai Bà Trưng có Nữ tướng Lê Chân.

Công tích của Bà không chỉ được các triều đại phong kiến Việt Nam ghi nhận ban tặng sắc phong là “Nam hải uy linh Thánh Chân Công chúa” mà còn được nhân dân suy tôn, tưởng nhớ muôn đời, nhớ ơn công đức lớn lao của Nữ tướng Lê Chân làm rạng rỡ non sông Việt nam, dân tộc Việt Nam, làm vẻ vang phụ nữ Việt Nam. Công lao của Nữ tướng góp phần quan trọng vào việc giành nền độc lập cho dân tộc trong buổi đầu dựng nước. Đối với Hải phòng, Bà là người khai hoang, mở đất,  lập ra trang An Biên xưa và đặt nền móng cho thành phố Hoa phượng đỏ ngày nay.

Các đại biểu cùng chụp ảnh dưới chân tượng đài Nữ tướng Lê Chân

Các thành viên trong Đoàn đã dành một phút mặc niệm để thành kính bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân; đồng thời thể hiện tinh thần tiếp tục kế thừa truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tiếp bước truyền thống vẻ vang của Hai Bà Trưng và Nữ tướng Lê Chân.

Ngay sau Lễ dâng hương, các đại biểu đã tham dự Hội nghị lần thứ 3, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam khóa XIII.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video