Tăng cường lồng ghép giới và công tác xã hội hóa trong phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ người bị bạo lực

24/08/2022
Sáng 24/8, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) diễn ra taij Hà Nội, sáng 24/8

Tham dự chương trình có sự góp mặt của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz và hơn 60 đại biểu đến từ các bộ, ngành TW, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức xã hội tham dự hội thảo đóng góp ý kiến phản biện nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (PCBLGĐ).

Nhiều văn bản góp ý, tham gia ý kiến của Hội vào dự thảo Luật sửa đổi

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống; nhận thức của xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên, nhiều vụ bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội, là tiếng chuông cảnh báo về sự suy thoái giá trị gia đình, giá trị dân tộc, những giá trị vốn là niềm tự hào của người Việt.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: “Đến nay, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã gửi 3 văn bản góp ý các lần dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tới cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đoàn đại biểu Quốc hội; tham gia ý kiến tại nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, trong đó nhiều ý kiến đã được nghiên cứu tiếp thu qua các lần sửa đổi, chỉnh lý dự thảo Luật như: bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình, một số nguyên tắc trong phòng, chống bạo lực gia đình, quyền của người bị bạo lực gia đình, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình...”.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện khuôn khổ chính sách về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, tuy nhiên các kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng bạo lực vẫn còn trầm trọng. Một trong những nguyên nhân chủ chốt là vẫn còn độ vênh trong các văn bản pháp luật hiện tại so với các chuẩn mực quốc tế nhất là Công ước CEDAW về chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, dẫn đến hạn chế nguồn lực cho công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, nhất là trong bối cảnh gia đình”.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chía sẻ tại chương trình

Tăng cường cơ chế, công tác xã hội hóa bảo vệ người bị bạo lực

Hội nghị đã được nghe bà Trịnh Thị Thủy, đại diện Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch trình bày tóm tắt dự thảo Luật PCBLGĐ và các điểm sửa đổi, bổ sung và các tham luận cùng nhiều ý kiến thảo luận tập trung vào 4 vấn đề chính là: bình đẳng giới và bảo vệ người bị bạo lực là nhóm yếu thế; các biện pháp phòng ngừa; biện pháp ngăn chặn và bảo vệ người bị bạo lực; công tác xã hội hoá trong PCBLGĐ.

Các đại biểu tham dự chương trình đã đưa ra các ý kiến góp ý về đảm bảo bình đẳng giới và việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực là nhóm dễ bị tổn thương trong dự thảo Luật; nâng cao hiệu quả công tác hoà giải; tăng cường công tác xã hội hoá trong PCBLGĐ; một số khuyến nghị nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế đối với dự thảo Luật…

Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến sâu sát, thiết thực đảm bảo bình đẳng giới và thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực 

Để tăng cường lồng ghép giới trong dự thảo Luật, các đại biểu cũng chỉ rõ cần tập trung vào việc giải thích nội hàm của bạo lực gia đình; tiếp tục chỉnh lý, xác định các hành vi bạo lực đảm bảo bao quát hơn các dạng thức của bạo lực; bổ sung nguyên tắc về chống phân biệt đối xử, định kiến, bổ sung đối tượng cần được ưu tiên trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị bạo lực; tăng cường cơ chế bảo vệ người bị bạo lực, nhất là trẻ em; gia tăng vai trò của các tổ chức, các thành viên trong gia đình trong bảo vệ người bị bạo lực…

Kết thúc chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đánh giá cao các ý kiến có giá trị về cả về mặt lý luận và thực tiễn, giúp cho Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai việc phản biện xã hội đối với dự thảo Luật; giúp các bên tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật có thêm những thông tin hữu ích để tiếp tục nghiên cứu, xem xét dự thảo ở nhiều góc độ khác nhau. Qua đó, các ý kiến thiết thực của các đại biểu sẽ được Hội tiếp thu và sẽ có văn bản gửi Quốc hội đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo để đảm bảo tính pháp lý và tính thực thi khi Luật được ban hành.

 

Trên thế giới, ước tính có khoảng 736 triệu phụ nữ đã từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra. Tại Việt Nam, báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, gần 63% phụ nữ bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời.

Một nửa trong số phụ nữ bị bạo lực chưa bao giờ kể cho người khác nghe về câu chuyện của mình và đặc biệt có đến 90% không tìm kiếm sự giúp đỡ. Lý giải thực trạng này, một nghiên cứu do UN Women và Bộ Tư pháp thực hiện vào năm 2017 đã chỉ ra rằng các dịch vụ hiện tại chưa đảm bảo được quyền riêng tư, chưa thực sự đảm bảo quyền được bảo vệ của nạn nhân, thủ tục phức tạp... Đây được coi là những nút thắt quan trọng cần được kịp thời giải quyết.

 

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ thực hiện năm 2019 và công bố năm 2020 cho thấy tình hình bạo lực gia đình Việt Nam không thay đổi nhiều so với cuộc điều tra trước đó 10 năm. Năm 2019, vẫn còn tới 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng trước lúc điều tra và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,81% GDP (tăng 0,3% so với năm 2012). Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng một trong những hình thức như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video