Tận dụng phế liệu làng nghề làm chất đốt xanh cho môi trường

23/11/2020
Mong muốn làm gì đó cho quê hương, cụ thể là làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra bằng những thứ phế liệu của ngành nông lâm nghiệp, Nguyễn Thị Thanh Phương (tỉnh Thái Nguyên) đã nghiên cứu và sản xuất thành công viên nén mùn cưa, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ tại địa phương.
Nguyễn Thị Thanh Phương và dự án làm chất đốt xanh cho môi trường

Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, Nguyễn Thị Thanh Phương (xóm Trại, xã Kha Sơn, Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã quen với việc người dân dùng rơm rạ và củi nấu nướng. Cùng với đó, lượng mùn cưa thải ra từ các làng nghề mộc xung quanh khu vực được bà con mang ra bờ sông đổ hoặc đốt bỏ. Thói quen này đã gây ra khói và bụi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Từ đó, cô gái sinh năm 1988 luôn ấp ủ ý tưởng tạo ra một sản phẩm giúp tận dụng được các phế phẩm trong nông nghiệp và làng nghề, đồng thời góp phần hạn chế ô nhiễm. Tình cờ, có lần Phương và chồng đọc được thông tin về sản phẩm viên nén mùn cưa trên một trang web của nước ngoài. Họ liền mày mò tìm hiểu và được biết ở TP.HCM có đơn vị sản xuất và bán viên nén mùn cưa. Từ Thái Nguyên vào tận TP.HCM, nhưng công ty không cho xem dây chuyền sản xuất, mà họ chỉ bán cho 5 tấn sản phẩm.

Để thăm dò thị trường, Thanh Phương đã mua sản phẩm về và liên hệ với các trường mầm non, các hộ dân tại địa phương mời họ dùng thử miễn phí với hệ thống bếp do gia đình cô sản xuất. Khách hàng có phản hồi tốt, chuyển từ than tổ ong và củi thông thường sang viên nén mùn cưa vì thời gian nhóm nhanh, sạch sẽ mà lại tiết kiệm chi phí và thời gian cho việc đun nấu.

Nguyễn Thị Thanh Phương bắt đầu đi vào sản xuất viên nén mùn cưa từ năm 2012

Nhận thấy viên nén mùn cưa là sản phẩm tiềm năng, năm 2012, vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Phương bắt đầu đi vào sản xuất viên nén mùn cưa. Thanh Phương kể: "Chúng tôi mất khoảng hơn 1 năm để nghiên cứu chế tạo máy ép viên nén mùn cưa và viên nén mùn cưa. Với nguồn nguyên liệu là mùn cưa thu gom từ các cơ sở sản xuất đồ gỗ trong toàn tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi sàng lọc qua lưới để lấy mùn cưa nguyên chất. Tiếp theo, cho mùn cưa vào hệ thống lò sấy tạo độ ẩm ( 8% – 13 %) thích hợp để mùn cưa quyện vào với nhau. Bước sau đó là cho vào máy nén và nén thành viên nén mùn cưa theo đúng kích thước quy định (với đường kính 08 mm x chiều dài 03mm – 05 mm). Bước cuối cùng trong quy trình sản xuất là đóng bao bì với trọng lượng từ 25 đến 30 kg".

 

“Chúng tôi quan niệm kinh doanh không những tạo ra lợi nhuận mà còn đem lại hệ giá trị cho xã hội, tạo ra chuyển biến tích cực tác động tới mọi người dù là nhỏ nhất trong văn hóa sử dụng chất đốt”

Nguyễn Thị Thanh Phương (xóm Trại, xã Kha Sơn, Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)

 

Những ngày mới thử nghiệm, xưởng gặp không ít khó khăn về kĩ thuật, kinh nghiệm quảng bá sản phẩm và đặc biệt là về nguồn vốn. Tìm đến vay ngân hàng, vợ chồng trẻ cũng không có gì để thế chấp, nên không thể vay vốn. Trong khi, tất cả tiền dành dụm được chỉ đủ xây được xưởng rộng 110m2, mua máy móc và một số ít nguyên liệu thành phẩm. Nguồn tài chính cạn kiệt, tưởng như không thể duy trì được xưởng. May mắn, Phương đã vay được 7.000.000 đồng từ quỹ TYM để mua nguyên vật liệu.

Mặt khác, viên nén mùn cưa là sản phẩm mới hoàn toàn tại thị trường Việt Nam, người dân tại địa phương còn giữ thói quen sử dụng củi khô hoặc bếp than tổ ong làm nguyên liệu đốt nên Thanh Phương vấp phải nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm vào thị trường.

Viên nén từ mùn cưa, rơm rạ, chất đốt xanh cho môi trường của Thanh Phương tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020

"Để chứng minh sản phẩm của mình, tôi đã cung cấp miễn phí cho người hàng xóm xung quanh để họ tin dùng đồng thời chứng minh chất lượng sản phẩm. Sau 1 năm đầu tiên, chúng tôi đã tiếp cận và cung cấp được sản phẩm thường xuyên cho trường mầm non, nhà hàng, bếp ăn tập thể tại huyện rồi lan dần sang các huyện lân cận trong tỉnh. Trong năm tiếp theo, tôi tiếp cận và giới thiệu thành công sản phẩm viên nén mùn cưa, bếp đun viên nén tại các làng nghề truyền thống như nấu miến, nấu mỳ... Đến nay, sản phẩm được tin cậy, năng suất sản lượng sản phẩm tăng cao. Bên cạnh thị trường truyền thống, chúng tôi đã có thêm thị trường mới với tiềm năng cao tại khu công nghiệp ở Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... Dự định trong thời gian tới, chúng tôi mở rộng thêm xưởng sản xuất ở các tỉnh như Thái Bình, Nam Định những nơi có nguồn rơm rạ rất nhiều", Thanh Phương cho biết.

Làm giàu từ phế phẩm ngành nông lâm nghiệp

Mong muốn làm một việc gì ý nghĩa cho quê hương và cụ thể là làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra bằng những thứ phế liệu của ngành nông lâm nghiệp, Nguyễn Thị Thanh Phương đã không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã của những viên nén mùn cưa. Hiện tại, cơ sở của cô đã mở rộng diện tích lên 1000m2, công suất 70 đến 100 tấn/tháng. Lợi nhuận năm 2019 là trên 500 triệu/năm.

Cơ sở cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 đến 7 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, 100% lao động nữ tại xưởng là những người ngoài độ tuổi lao động 50 và thậm chí 60 tuổi, những phụ nữ đơn thân, không có kinh nghiệm hay học vấn.

Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho phụ nữ địa phương

Để quảng bá sản phẩm, không chỉ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, Thanh Phương còn tích cực tham gia các cuộc thi các cuộc thi như: Sáng tạo trẻ, Sáng tạo xanh, gương mặt thanh niên tiên tiến điển hình, ý tưởng kinh doanh; quảng bá trên mạng xã hội…

 

Năm 2020, Nguyễn Thị Thanh Phương tham dự cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Dự án sản xuất viên nén mùn cưa, rơm rạ là 1 trong 68 dự án xuất sắc được vinh danh tại cuộc thi.

https://phunuvietnam.vn/t

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video