Sự hòa quyện giữa “đạo pháp” và “dân tộc” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ni sư Huyền Trang

18/05/2022
Ni sư Huyền Trang, nữ biệt động Sài Gòn – Gia Định khoác trên mình chiếc áo nâu sòng tham gia cống hiến cho cách mạng trong những năm tháng đấu tranh giải phóng miền Nam. Tinh thần yêu nước của Ni sư là sự gắn kết giữa “đạo” và “đời”, là sự hòa quyện giữa “đạo pháp” và “dân tộc”.
Ni sư Huyền Trang - nữ "Biệt động Sài Gòn" Phạm Thị Bạch Liên và những hình ảnh hoạt động Cách mang

Ni sư Huyền Trang (Pháp danh Ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông), bà tên thật là Phạm Thị Bạch Liên. Bà sinh năm 1931 tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Năm 7 tuổi, bà qui y tại chùa Phước Huệ. Năm 1950, bà tu học tại Huế. Lúc này tình hình cách mạng ở Sài Gòn vô cùng khó khăn do chế độ Mỹ - Diệm đang áp dụng luật 10/59 để tận diệt cộng sản và phát động nhiều chiến dịch tố cộng, diệt cộng đẫm máu, chúng càn quét từng xóm làng, ngỏ hẻm, lùng sục khủng bố nhân dân ráo riết. Gác lại đường tu, bà tham gia đội biệt động Sài Gòn trừ gian, diệt ác.

Để qua mắt bọn địch, bà Bạch Liên đã xin tiền cha mẹ xây dựng ngôi chùa mái lá mang tên Bổn Nguyên (hiện chùa nằm tại góc đường Trần Quốc Toản và Lò Siêu thuộc Quận 11, TPHCM). Tại đây, bà đã làm nhang để bán tạo nguồn tiền cho đội "biệt động thành" hoạt động. Ngôi chùa Bổn Nguyên còn là nơi sinh hoạt thường xuyên của những chiến sĩ tình báo Sài Gòn lúc bấy giờ với sự chỉ huy của ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), Tư lệnh biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Chân dung nữ "Biệt động Sài Gòn" Phạm Thị Bạch Liên

Bà Phạm Thị Bạch Liên được sự phân công của tổ chức dưới vỏ bọc là ni sư Huyền Trang đã thâm nhập vào hàng ngũ địch, vẽ sơ đồ nhiều địa điểm quan trọng do địch chiếm đóng để đội "biệt động thành" làm cơ sở tấn công, trong đó có nhiều trận đánh do bà chỉ huy trực tiếp. Sau nhiều lần điều tra, lùng sục tung tích, lính Mỹ - Ngụy đã nhiều lần bao vây chùa Bổn Nguyên để bắt bà nhưng không thành. Quá tức giận, chúng bèn đốt cháy chùa Bổn Nguyên để bà không quay về đây hoạt động.

Nữ chiến sĩ biệt động kiên cường Huyền Trang từng được Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tặng riêng một chiếc xe "hon đa đam" làm phương tiện hoạt động trong lòng địch. Chính chiếc xe này đã giúp bà Huyền Trang thị sát rất thành công các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh... để đội "biệt động thành" nhiều lần tấn công gây thanh thế cho cách mạng và gây hoang mang, khiếp sợ cho Mỹ - Ngụy lúc bấy giờ.

Sau một thời gian mật phục, lính Mỹ - Ngụy đã bắt được ni sư Huyền Trang và giam cầm bà. Bọn chúng tra tấn bà rất dã man, dùng nhiều lời lẽ "chiêu dụ" nhưng đều thất bại vì không "moi" được gì ở người nữ chiến sĩ đầy bản lĩnh Phạm Thị Bạch Liên.

Không khai thác được gì, không đủ chứng cứ kết tội, địch buộc phải thả ni cô Huyền Trang ra. Ra tù về với đồng đội, bà tiếp tục công tác tại đội "biệt động thành" và lập được nhiều chiến công xuất sắc với những trận đánh xuất quỷ nhập thần đã đi vào lịch sử.

Viện Nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực tặng danh hiệu "Hiền tài nước Việt" ghi nhận sự cống hiến và hi sinh to lớn của ni sư Huyền Trang vì nền độc lập, tự do của dân tộc

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Phạm Thị Bạch Liên tiếp tục công tác tại Bộ Tư lệnh TPHCM rồi nghỉ hưu vào năm 1982. Sau khi về hưu, bà rời Sài Gòn để về An Giang tu hành tại chùa Thất Bửu. Ngôi chùa này vốn là đất đai của gia đình bà. Lúc rảnh rỗi, bà lại đón xe về quê cũ xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) để thăm lại họ hàng, thăm lại ngôi chùa Phước Huệ, nơi bà đã qui y lúc còn thơ ấu.

Ghi nhận và vinh danh bà vì những cống hiến vô cùng lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước, tháng 7/1969, bà được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3. Tháng 3/1985, bà được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 18/9/2011, bà được Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng tặng kỷ niệm chương do có nhiều cống hiến xây dựng ngành tình báo quốc phòng Việt Nam. Năm 2021, bà vinh dự được Viện nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực Việt Nam trao tặng danh hiệu "Hiền tài nước Việt" ở tuổi 90.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video