Quảng Nam: Nặng lòng với thổ cẩm truyền thống người Triêng

02/08/2022
Tại thôn Đắk Rế, xã La Dêê – một xã thuộc huyện vùng cao Nam Giang, nơi được xem có nghề thổ cẩm truyền thống lâu đời của người Triêng, có một người phụ nữ lớn tuổi hằng ngày vẫn đau đáu trong lòng gìn giữ nét văn hóa thổ cẩm của cha ông để lại.
Bà Cha Rum Nhiếc cần mẫn bên khung dệt

Được biết, với người Triêng, có văn bản dùng là người Tà Riềng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng), bất kỳ con gái Triêng nào khi lớn lên đều phải biết dệt thổ cẩm và bà Cha Rum Nhiếc (75 tuổi), tại thôn Đắk Rế, xã La Dêê, huyện Nam Giang là người đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Triêng gần năm chục năm nay. Khung dệt và bàn tay khéo léo của bà đã tạo nên những tấm vải độc đáo mang đậm bản sắc của người Triêng. Hằng ngày, sau những giờ lao động nhọc nhằn trên nương rẫy, bà Nhiếc lại làm bạn với chiếc khung dệt. Bà tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để dệt, nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khấm khá hơn được. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những họa tiết mang tính cách điệu thể hiện bằng các hoa văn chấm dải, các mô típ như con chim, chiêng, ché, ngà voi... dần hiện ra.

Bà Cha Rum Nhiếc tâm sự, ngày trước, mọi công đoạn làm nên nguyên liệu dệt vải đều rất thủ công, bà cùng chị gái và mẹ phải kéo sợi bông ra chỉ; lên rừng kiếm các loại lá cây, vỏ cây rừng về nấu lên để tạo màu. Ngay từ lúc còn nhỏ, bà Nhiếc đã được làm quen với khung dệt, sợi bông, nhuộm sợi và được mẹ truyền dạy cho nghề dệt truyền thống và bà đã đã gắn bó với công việc dệt thổ cẩm đến tận bây giờ. Đối với người Triêng, màu chàm là màu nổi bật trên tấm vải, rất khó tạo màu và rất hiếm, vì thế, trang phục của ai có nhiều phần màu chàm sẽ rất quý và giá trị. Tùy từng loại trang phục như: váy, tấm dồ, khố, tấm choàng mà người thợ dệt có cách tạo bằng hoa văn và dàn sợi khác nhau. Trên dụng cụ dàn sợi, sợi màu đen luôn chiếm ưu thế trong toàn bộ khung cửi và làm nền cho các băng chỉ màu. Khi đã dàn sợi cho một trang phục cần dệt, trên dụng cụ dàn sợi, họ tháo dụng cụ dàn sợi ra, lấy sợi đã được dàn hoàn chỉnh đưa vào khung để chuẩn bị dệt. Mỗi tấm thổ cẩm dài 2 m, rộng 1,5 m phải mất 3 tuần mới hoàn thành, còn nếu vừa dệt vải vừa làm việc nương rẫy thì phải mất hơn 1 tháng.

Trang phục truyền thống của người Triêng xã La Dêê trong sắc màu thổ cẩm

Bà Nhiếc cho biết thêm, trước đây, do nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong cộng đồng người Triêng còn nhiều nên việc dệt thổ cẩm tạo được nguồn để trao đổi, buôn bán với các vùng đồng bào Ve có thu nhập ổn định, vì thế phụ nữ Triêng trong làng ai cũng biết dệt, nhà nào cũng có ít nhất một khung dệt. Nhưng bây giờ, nhiều người đã chuyển sang sử dụng trang phục giống như người Kinh nên nhu cầu về thổ cẩm đã giảm đi rất nhiều, nhiều gia đình không sống nổi với nghề dệt thổ cẩm, đành phải chuyển sang làm nghề khác kiếm cơm cho các con.

Say mê dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều năm qua, bà Cha Rum Nhiếc đã không quản khó nhọc, từ động viên của chính quyền, gia đình đã tìm mọi cách lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mặc dù tuổi đã lớn, mắt đã mờ nhưng bà Cha Rum Nhiếc vẫn ngồi bên khung dệt để dệt vải và luôn say mê, miệt mài với nghề dệt thổ cẩm độc đáo của dân tộc và trong ánh mắt bà vẫn đau đáu một nỗi niềm vì trong làng ngày càng ít đi các thiếu nữ Triêng theo học nghề dệt thổ cẩm... Bà cũng mong muốn, các cấp, ngành ở huyện Nam Giang tổ chức các hội thi, hội diễn để tạo cơ hội cho chị em tham gia dệt thổ cẩm nhằm tiếp tục duy trì, phát triển văn hóa truyền thống không dần bị mai một.

Sơn Gia Phúc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video