Phong trào thi đua, chỉ tiêu nhiệm kỳ, nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027

16/03/2022
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 09/3-11/3/2022 với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu chính thức. Đại hội đã quyết nghị tán thành thông qua Phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027

Phong trào thi đua:

Nhiệm kỳ 2022 – 2027, Hội LHPN Việt Nam tập trung phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cuộc vận động:

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Hai khâu đột phá:

(1) Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin;

(2) Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.

8 Chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.

(2) Hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. Đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.

(3) Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.

(4) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 05 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có[1], 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

(5) Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn.

(6) Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.

(7) Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.

(8) Đến cuối nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương đề xuất thành công ít nhất 05 chính sách, đề án; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 01 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.

3 Nhiệm vụ trọng tâm:

Nhiệm vụ 1: Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh gồm:

1.1. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế

1.2. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

1.3. Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Nhiệm vụ 2: Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới gồm:

2.1. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

2.2. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới

2.3. Thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội

2.4. Vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới

Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế gồm:

3.1. Phát triển mạng lưới, thu hút hội viên, thành viên

3.2. Nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp

3.3. Xây dựng văn hóa tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống Hội

3.4. Nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại.


[1] “5 có” gồm: Có ngôi nhà an toàn; Có sinh kế bền vững; Có sức khỏe; Có kiến thức; Có nếp sống văn hóa.

 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video