Phát biểu của Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hoà tại Lễ mít tinh kỷ niệm 8/3

08/03/2010
.

PHÁT BIỂU TẠI LỄ KỶ NIỆM 1970 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG; 100 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 và 45 NĂM KỶ NIỆM PHONG TRÀO PHỤ NỮ BA ĐẢM ĐANG

(Hà Nội, 7/3/2010)

Nguyễn Thị Thanh Hoà,

Uỷ viên BCH TW Đảng,

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Kính thưa đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Dân vận TW,

Kính thưa đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN VN,

Kính thư đồng chí Nguyễn Thị Doan, Uỷ viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN VN,

Kính thưa đồng chí Huỳnh Đảm, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc VN,

Kính thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng,

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng,

Kính thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý,

Thưa toàn thể chị em thân mến,

Trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới và chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước; Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 45 năm phong trào phụ nữ Ba đảm đang.

Thay mặt cho phụ nữ cả nước tôi xin nồng nhiệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đ/c lãnh đạo và các chị nữ lãnh đạo các bộ, ban ngành; Mặt trận đoàn thể; các vị khách quốc tế; lãnh đạo các tỉnh/thành, các nữ anh hùng; các chị lãnh đạo Hội các thời kỳ đã đến dự Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay.

Đặc biệt, xin nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của 106 chị đại diện cho phụ nữ Ba đảm đang, các chị cùng với Đội quân tóc dài mãi là biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng thời chống Mỹ cứu nước hào hùng và vô cùng oanh liệt. Chúc các chị mạnh khoẻ, hạnh phúc và nhiều niềm vui.

Trong thời điểm đầy ý nghĩa này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại trang sử vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ quốc tế đã đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các vị khách quý,

Thưa toàn thể chị em thân mến!

Xuân Canh Dần năm nay vừa tròn 1970 năm hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị phát động toàn quận Giao Chỉ, tập hợp các Lạc hầu, Lạc tướng, kêu gọi quân sĩ và nhân dân nổi lên chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đãđược nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh to lớn đánh đuổi quânxâm lược, chấm dứt một giai đoạn thống trị của phong kiến nước ngoài. Hai Bà lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh, lập nên một vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ với nhiều chính sách an dân, miễn thuế khoá…duy trì việc nước yên bình, chính trị ổn định trong gần 3 năm.

Chúng ta vô cùng tự hào và kính phục vì hiếm có nơi nào trên thế giới mà cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân chống ngoại xâm và cũng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Hình ảnh Hai Bà cưỡi voi phất cờ khởi nghĩa đã đi vào lịch sử như biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của phụ nữ ViệtNam. Trải qua hàng nghìn năm, sự nghiệp và danh tiếng của Hai Bà còn mãi trường tồn cùng đất nước, được các thế hệ phụ nữ Việt Nam không ngừng phát huy, nối tiếp.

Kính thưa quý vị đại biểu,các vị khách quý,

Thưa toàn thể chị em thân mến!

Tiếp bước truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu anh hùng, 45 năm về trước, trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ; tháng 3 năm 1965, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” sau đó, được Bác Hồ đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang”. Với 3 nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, thực hành tiết kiệm, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng, con, anh em đi chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu,phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân, công nhân, bác sỹ, giáo viên, ca sỹ, thanh niên xung phong, mậu dịch viên, dân quân… ở miền Bắc XHCN thi đua sản xuất, công tác, động viên chồng con lên đường chiến đấu, ở nhà vừa chăm lo gia đình, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Với khí thế cách mạng và tình cảm sâu sắc “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lớp lớp chị em hăng hái, dũng cảm “tay cày, tay súng”, sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm", “một người làm việc bằng hai”, “đường cày đảm đang”, “tiếng hát át tiếng bom”… Trên mặt trận sản xuất, chiến đấu đâu đâu cũng xuất hiện các đơn vị mang tên Ba đảm đang như: lớp bổ túc, cửa hàng, phân xưởng, hợp tác xã, cánh đồng, bệnh viện…

Chưa bao giờ phụ nữ được ghi công nhiều trong sổ vàng đất nước như thời kỳ Ba đảm đang: 42 chị và 9 tập thể được tuyên dương Anh hùng, 5.000 chiến sỹ thi đua, 1718 chị được thưởng huy hiệu Bác Hồ và gần 4 triệu chị em đạt danh hiệu “Ba đảm đang”.

Phong trào “Ba đảm đang” có ý nghĩa toàn diện về tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống lao động sáng tạo, ý chí tự cường phấn đấu vươn lên của phụ nữ miền Bắc. Phong trào đã nâng trách nhiệm, vị trí người phụ nữ lên tầm cao mới, tạo bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển của phụ nữ và phong trào phụ nữ.

Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm được rút ra từ phong trào “Ba đảm đang” vẫn vẹn nguyên giá trị, mà trên hết là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân tố quyết định sự thành công của phong trào. Được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ, bản thân phụ nữ thấm nhuần ý nghĩa cách mạng của phong trào, hăng hái quyết tâm vươn lên, sẵn sàng gánh vác, làm tròn nhiệm vụ. Sự thành công của phong trào 3 Đảm đang cho thấy sự nhạy bén nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng của Hội LHPN VN những chủ trương, biện pháp động viên, tạo điều kiện phát huy mọi khả năng của phụ nữ, phù hợp với yêu cầu của đất nước.

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa toàn thể chị em,

Hôm nay, nhìn lại lịch sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam cũng là dịp để chúng ta ôn lại một thế kỷ đấu tranh không mệt mỏi vì bình đẳng và tự do của phụ nữtrên khắp hành tinh. Cách đây tròn 100 năm, Đại hội phụ nữ quốc tế lần thứ 2 về lao động nữ họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ; việc làm ngang nhau; bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó ngày 8/3 đã trở thành ngày truyền thống của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Trải qua 100 năm, các quốc gia đều đã đạt được những thành tựu nhất định về bình đẳng giới, tuy nhiên đó vẫn đang là mục tiêu cần tiếp tục phấn đấu. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Liên hợp quốc đã lấy chủ đề “các quyền bình đẳng, các cơ hội bình đẳng: tiến bộ cho tất cả” làm tinh thần chủ đạo cho các hoạt động kỷ niệm Ngày lễ quan trọng này của các nước.

Ở Việt Nam, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới sự tiến bộ và bình đẳng giới của phụ nữ. Ngay Cương lĩnh đầu tiên khi mới thành lập và cương lĩnh qua các thời kỳ, Đảng đều khẳng định nam nữ bình quyền và thực hiện bình đẳng giới. Hệ thống luật pháp dần được hoàn thiện với việc ban hành luật Bình đẳng giới. Bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được củng cố. Với trên 90% phụ nữ biết đọc, biết viết, hơn 80% phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, hơn 25% nữ đại biểu Quốc Hội, 2 đ/c nữ Bí thư TW Đảng, đ/c nữ Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc Hội, Việt Nam được nhiều quốc gia nhắc đến như một điểm sáng về bình đẳng giới.

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các vị đại biểu cùng toàn thể chị em thân mến,

Ôn lại truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ quốc tế để chúng ta tôn vinh tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, của phong trào phụ nữ Ba đảm đang đồng thời cũng là dịp để các thế hệ phụ nữ hôm nay nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu "Non sông gấm vóc VN do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ". Với ý nghĩa đó, tôi mong rằng phụ nữ cả nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Đội quân tóc dài, ngọn lửa 3 Đảm đang, tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện có hiệu quả đợt thi đua đặc biệt “Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, tích cực thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2010” do BCH TW Hội LHPN Việt Nam phát động; Chị em không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, phấn đấu, rèn luyện trở thành "người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có tri thức, có sức khoẻ, năng động sáng tạo, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng".

Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để được cống hiến, để được đóng góp và trưởng thành và nguyện giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới, quyết tâm một lòng theo Đảng trên con đường đi tới mục tiêu xây dựng đất nước“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cảm ơn sự hợp tác hỗ trợ quý báu của bạn bè quốc tế.

Kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, tôi xin gửi tới các bà, các mẹ, các chị, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài; phụ nữ quốc tế sinh sống và làm việc ở VN những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc chị em chúng ta trẻ, khỏe, hạnh phúc, tự tin và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video