Người vợ cựu chiến binh làm giàu từ nấm

11/10/2011
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Sóc Sơn, một huyện ngoại thành nửa trung du, nửa đồi núi, đất đai sỏi đá, khô cằn của Hà Nội, chị Đào Thị Thiện là một người phụ nữ không chỉ biết vượt khó, vươn lên làm giàu mà còn là một tấm gương sáng trong các hội viên Hội phụ nữ thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến.

Đời con gái đã vất vả, đi lấy chồng, chị còn vất vả hơn. Cha mẹ chồng già yếu, chồng chị là một cựu chiến binh bị ảnh hưởng di chứng của chất độc Dioxin, đau yếu luôn luôn, chẳng thể giúp chị những công việc nặng nhọc, sức vóc. Vai trò trụ cột gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của chị...

Anh chẳng thể có con, chị kìm lòng trước khát khao làm mẹ nhưng bản năng người phụ nữ khiến chị luôn thèm được chăm sóc, nuôi dạy con cái như bao người mẹ khác. Chị bàn với anh nhận hai cháu mồ côi về làm con nuôi (một cháu chị nhận nuôi lúc 6 tuổi, một cháu lúc mới tròn 9 tháng). Thêm hai con, cuộc sống càng thêm phần khó khăn, cực nhọc. Chị phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để lo toan cuộc sống gia đình. Ngoài làm nông, chị còn chăn nuôi thêm gà, thêm lợn để trang trải sinh hoạt và lo cho hai con ăn học. Năm 1996, chị tham gia nhóm Phụ nữ nghèo vay vốn và tiết kiệm của Hội LHPN Sóc Sơn và Quỹ Tình thương chi nhánh Sóc Sơn II và được cho vay 3 triệu đồng làm vốn phát triển kinh tế. Với số tiền này, chị đầu tư vào chăn nuôi và sản xuất. Cần mẫn thế, chăm chỉ thế nhưng cái nghèo vẫn bám theo, đeo đẳng, gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo của thôn Quảng Hội.

Không cam tâm chịu mãi cảnh nghèo, chị Thiện suy nghĩ mãi. Nhiều đêm trằn trọc, không ngủ, chị bàn tính với anh tìm cách làm ăn kinh tế có hiệu quả. Một suy nghĩ táo bạo lóe lên: đưa mô hình trồng nấm rơm vào sản xuất. Nghĩ là làm, chị bắt tay vào đầu tư trồng nấm. Nghĩ thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy thật nhiều khó khăn: vốn mỏng, cơ sở vật chất chật hẹp, bản thân chị chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm về nghề trồng nấm, ngay cả thị trường đầu ra cho sản phẩm chị cũng chưa rành... Đối mặt với bộn bề thách thức của những buổi “khởi đầu nan”, chị Thiện quyết tâm không chùn bước. Chị lặn lội đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm từ những cơ sở sản xuất nấm đã thành công; mày mò sưu tầm và miệt mài đọc những cuốn sách hướng dẫn nuôi trồng nấm rơm. Chị còn nhờ các thầy giáo ở Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Nấm Văn Giang hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, giúp đỡ xây dựng lán trại...

Sau hai tháng, kết quả thật bất ngờ, từ chỗ vừa làm, vừa học, chị Thiện đã thành công trong việc trồng cả 3 loại nấm. Có thêm niềm tin, chị quyết định vay thêm 8 triệu đồng, đầu tư xây dựng được 200 m2 lán trại để sản xuất. Cứ thế, vốn của chị được quay vòng, vừa dùng để sản xuất, vừa tiếp tục đầu tư, chỉ sau 1 năm chị đã mở rộng diện tích trồng nấm lên 650 m2, doanh thu đạt từ 250-260 triệu đồng cho lợi nhuận trên 100 triệu. Từ một hộ nghèo, gia đình chị đã vươn lên thành hộ kinh tế gia đình phát triển bền vững.

Thoát nghèo nhưng chị Thiện vẫn luôn nhớ những tháng ngày cơ cực mà mình đã trải qua, chính vì vậy, chị tự nhủ, cần phải chia sẻ, giúp đỡ những chị em nghèo khó xung quanh. Chị đã giúp 15 lao động có việc làm thường xuyên với mức lương 1,5 triệu đồng/người/tháng. Khi việc sản xuất, kinh doanh của chị ngày càng phát triển, năm 2010, chị thành lập HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng- Thiện, Quảng Hội do chị làm chủ nhiệm với số vốn điều lệ 160 triệu đồng, vốn lưu động trên 1,4 tỷ, quy mô sản phẩm trên 55 tấn nấm. HTX của chị còn đảm bảo cung cấp nguồn nấm sò giống đồng thời nhận bao tiêu luôn toàn bộ sản phẩm đầu ra cho 25 hộ trồng nấm trong xã. Với những hoạt động trên, mỗi năm HTX của chị đạt được lợi nhuận gần 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động chính, 50 lao động phụ và nhiều lao động nông nhàn theo thời vụ.

Biết rõ hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm, chị Thiện đã tích cực vận động bà con nông dân nghèo trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô sang trồng nấm cho thu nhập cao gấp hàng chục lần. HTX của chị nhận trách nhiệm hướng dẫn thực hành công nghệ trồng nấm cho 115 hộ nông dân ở huyện Sóc Sơn và các huyện lân cận, qua đó đã có 170 lượt nông dân, chị em phụ nữ được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn, giống để sản xuất nấm (HTX đã hỗ trợ 9.000 bịch nấm giống, tương đương trị giá 36 triệu đồng). Sau khi có thành phẩm, HTX còn tạo điều kiện tổ chức bao tiêu sản phẩm cho bà con, nhờ vậy, bà con yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định, tin tưởng.

Với cách làm ăn hiệu quả, HTX do chị làm chủ nhiệm đã được Sở Nông nghiệp, Trung tam Khuyến nông Hà Nội chọn làm mô hình điểm về phát triển hộ kinh tế gia đình và là điển hình của thành phố trong xây dựng nông thôn mới ngoại thành Hà Nội.

Bản thân chị Đào Thị Thiện đã đạt danh hiệu “ Người tốt việc tốt” cấp thành phố, danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 3 năm liền và được tặng nhiều giấy khen khác. Đặc biệt, chị đã vinh dự được chọn là 1 trong 7 cá nhân có thành tích xuất sắc được Ủy ban Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2011.

 

 

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video