Một số mô hình trong thực tiễn

16/01/2008
Đi cùng với sự phát triển của đất nước, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện công bằng, bình đẳng giới nói chung và trong hệ thống chính trị nói riêng cũng gặt hái được những thành tựu to lớn.

Tuy nhiên, vai trò tham chính của phụ nữ trong hệ thống chính trị nước ta vẫn còn hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Có nhiều nguyên nhân cản trở sự thăng tiến của phụ nữ, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức về công bằng giới, bình đẳng giới chưa được làm rõ, dẫn đến việc thực hiện vấn đề trên gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn cho thấy đã có nhiều mô hình công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị nước ta. Điển hình như mô hình công bằng giới của tỉnh Tuyên Quang (luôn bảo đảm tính bền vững của cán bộ nữ qua từng nhiệm kỳ); mô hình luân phiên lãnh đạo ở xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk-Lắk (nhiệm kỳ vừa qua nữ làm bí thư đảng uỷ, nam làm chủ tịch, nhiệm kỳ trước nữ làm chủ tịch và nam làm bí thư). Sự sắp xếp cả nam và nữ trong đội ngũ lãnh đạo không loại trừ nhau, ngược lại sẽ bổ trợ cho nhau vì mỗi giới có đặc trưng nổi trội. Theo triết lý âm - dương, trong âm có dương và trong dương có âm, một tập thể lãnh đạo biết dung hòa hai cái (âm - dương) là một tập thể lãnh đạo thực sự có văn hóa tổ chức, hợp tình, hợp lý. Xét từ góc độ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, mô hình công bằng giới chính là sự bổ trợ năng lực ưu trội của hai giới với nhau. Thí dụ, nữ giới ưu trội ở tính nghiêm túc, cẩn thận, chu đáo, cụ thể, thuyết phục, còn nam giới ưu trội ở tầm nhìn chiến lược cơ bản, lâu dài, năng động, quyết đoán...

Hoạt động chính trị là một lĩnh vực đặc thù của đời sống xã hội, của các quan hệ con người. Nó rất cần tới sự có mặt, tham gia nhập cuộc của giới nữ, trước hết, đó là cân bằng giới như một sự cân bằng tâm lý, sau nữa, nó bổ sung cho nhau trong cơ cấu giới, tạo ra sự hài hoà, phát triển. Chính điều này tự nó đã khách quan hoá vai trò của phụ nữ trong chính trị. Vai trò của phụ nữ là không thể phủ nhận, trong họ tiềm tàng những khả năng, tài năng để đáp ứng những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý. Đặt vào một mặt bằng chung về điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, phụ nữ không có trở ngại gì đáng kể so với nam giới để thể hiện năng lực trong hoạt động chính trị. Đó là chưa nói tới độ nhạy cảm, tính thiết thực, cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm với công việc vốn là một lợi thế so sánh của phụ nữ làm cho họ tham chính có hiệu quả.

Đánh giá về năng lực tham mưu của cán bộ nam và cán bộ nữ cho thấy, có những chỉ báo về tham mưu nam trội hơn nữ hoặc cả hai như nhau, nhưng cũng có những khả năng như năng lực “có khả năng thuyết phục”, nữ trội hơn nam chiếm tỷ lệ rất cao 72,7%. Điều này khẳng định thêm năng lực tham mưu tuỳ theo tính cách của từng người, nhưng đối với cán bộ nữ, khả năng tham mưu, tổ chức thực hiện phần lớn là có hiệu quả. Giới cán bộ nữ có thể phấn đấu ngang bằng thậm chí hơn so với giới cán bộ nam. Ngoài ra, ưu trội của phụ nữ còn thể hiện ở các năng lực kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện các quyết định, lắng nghe ý kiến bàn bạc dân chủ...

Điều đáng quan tâm là, bên cạnh mô hình công bằng giới vẫn tồn tại những mô hình bất bình đẳng giới, ví dụ mô hình độc quyền nam giới.

Trên thế giới, mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, song phụ nữ vẫn chưa được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích được nêu trong pháp luật quốc gia và quốc tế. Trong lĩnh vực chính trị - xã hội vẫn tồn tại bất bình đẳng giới làm cho phụ nữ không có hoặc nếu có thì cũng rất ít trong các cơ quan dân cử như Quốc hội… Từ trước cho đến nay, “chưa một quốc gia nào trên thế giới được công nhận đã đạt bình đẳng nam nữ “(1). Phụ nữ vẫn chưa hoàn toàn bình đẳng với nam giới, nhất là cơ hội tiếp cận các nguồn lực, tiếng nói và quyền đại diện trong hệ thống chính trị. Ở Việt Nam, phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cũng còn rất thiếu, không có hoặc thiếu vắng phụ nữ lãnh đạo cấp cao, nhiều cơ quan Nhà nước cấp bộ hiện nay không có nữ lãnh đạo chủ chốt. Điều này đặt ra câu hỏi vì sao ở những cấp bậc, chức vụ quan trọng có tính ra quyết định trong hệ thống chính trị phụ nữ không có hoặc thiếu? Nguyên nhân phải chăng do phụ nữ không có năng lực lãnh đạo trong hệ thống chính trị?

(1) - Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc, năm 2003

Trung tâm Thông tin tư liệu
(Trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới của Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video