'Người dân Mỹ sẽ hiểu rõ hơn về dioxin tại VN'
Ở nhiều nơi, khi biết tin đoàn sẽ đến thăm, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tổ chức biểu tình ủng hộ các nạn nhân và chiến dịch rải chất độc trong chiến tranh tại Việt Nam. Đến thành phố nào đoàn cũng nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt và cảm động. Trong vòng 1 tháng, GS. Nguyễn Trọng Nhân và hai nạn nhân Hồ Sỹ Hải và Đặng Thị Hồng Nhựt đã tới 12 thành phố của 10 bang. Đoànsđã gặp gỡ nhân dân, cựu chiến binh Mỹ với những buổi nói chuyện, chiếu phim, trưng bày hình ảnh về các nạn nhân chất độc da cam. Sự kiện này được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin. Do đó hoạt động của đoàn được phổ biến rộng rãi. Nhiều cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam đã tìm gặp các nạn nhân và bày tỏ sự xin lỗi. Một số người trước đây từng tham gia phản đối chiến tranh cũng đã tìm đến để được thể hiện tình cảm và chia sẻ với những nạn nhân.
Hội Nạn nhân chất độc da cam cho biết, tháng 2/2006, Hội luật gia dân chủ quốc tế sẽ tổ chức một hội nghị tại Hà Nội để bàn về vụ kiện dioxin. |
Bà Đặng Thị Hồng Nhựt cho biết: "Có rất nhiều phóng viên đã tìm và hỏi tôi xem có căm thù người Mỹ không? Họ rất muốn biết cảm nhận của một nạn nhân như tôi khi đứng trên đất Mỹ và gặp lại những người đã gieo rắc nỗi đau khổ cho tôi và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên tôi đã nói rõ rằng tôi căm hận những người đã đem lại sự mất mát cho tôi nhưng đó là quá khứ, mọi chuyện đã qua đi, chúng tôi cần hướng tới tương lai".
Các cựu chiến binh Mỹ biểu tình trước khi đoàn nạn nhân chất độc da cam VN đến. Ảnh: Vava |
Chuyến đi lần này có rất nhiều câu chuyện cảm động mà 4 thành viên trong đoàn không thể quên. GS. Nhân không khỏi xúc động khi kể chuyện một cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến trường Việt Nam, giờ là một tu sĩ đã quỳ lạy xin sự tha thứ của các nạn nhân. Cả hội trường im phăng phắc khi ông này cất tiếng tụng kinh cầu siêu thoát cho các nạn nhân da cam đã chết.
Khi biết ông Hồ Sỹ Hải là một người lính lái xe trên mặt trận đường 9, một cựu binh Mỹ đã ôm chầm lấy ông và bà Nhựt mà khóc nức nở. Vì năm xưa ông chính là người trực tiếp cầm súng trên trực thăng sả đạn xuống dọc tuyến này và ông cũng trực tiếp tham gia rải chất độc. Gặp lại những nạn nhân của mình, người đàn ông này xúc động đến cực độ, ông gần như ngất lịm, nắm chặt lấy tay người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé và không ngớt lời xin được tha thứ.
Đánh giá về chuyến đi này, GS. Nguyễn Trọng Nhân nói: "Đây là chuyến đi vận động dư luận quốc tế đầu tiên nhưng cũng khá thành công. Chúng ta đã đem lại một bức tranh rõ nét và khách quan về cuộc chiến tranh hoá học của quân đội Mỹ tại Việt Nam, thông tin chi tiết về vụ kiện dioxin và giúp người dân Mỹ có cái nhìn đầy đủ về hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam".