Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là “chìa khóa” quan trọng giúp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội hiện nay
Đội ngũ cộng tác viên là nhân tố cần thiết trong việc nắm bắt dư luận xã hội
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, công tác nắm bắt, nghiên cứu DLXH đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là vô cùng quan trọng góp phần ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế của Thủ đô. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi các thế lực thù địch phản động không ngừng thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược "Diễn biến hoà bình”; sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ; sự phát triển vượt bậc của internet và các loại báo điện tử, trang tin điện tử thì việc nắm bắt tình hình tư tưởng, DLXH, định hướng thông tin đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ làm công tác tư tưởng của Đảng.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho rằng đội ngũ cộng tác viên là nhân tố qun trọng trong việc nắm bắt dư luận xã hội
Ngoài việc duy trì hội nghị nghe phản ánh DLXH hàng tháng, nhiều đơn vị cử cán bộ chủ động xuống cơ sở nắm bám sâu địa bàn, kịp thời nắm bắt dư luận, tổng hợp và dự báo tình hình, nhất là những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc để kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chỉ đạo cộng tác viên dư luận bên cạnh hình thức phản ánh tại hội nghị, thực hiện phản ánh qua tin nhắn, điện thoại trực tiếp hoặc qua email để đảm bảo tính kịp thời của dư luận. Cùng với việc nắm bắt DLXH qua đội ngũ cộng tác viên, nhiều quận, huyện thực hiện việc điểm báo hàng ngày, thông tin các vấn đề gây bức xúc trong nhân dân trên địa bàn để các cơ quan chức năng tiếp nhận giải quyết, kiểm tra làm rõ và ban hành công văn trả lời, phản hồi các nội dung, vụ việc được báo chí phản ánh.
Về công tác thông tin phản hồi, định hướng DLXH: việc hình thành cơ chế thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin chính thống để làm căn cứ phân tích, xử lý, sàng lọc thông tin; đồng thời, lựa chọn các hình thức thông tin phù hợp để chủ động tổ chức tuyên truyền định hướng DLXH kịp thời đã được cấp ủy các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Công tác định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên đối với CTV dư luận xã hội được các cấp triển khai thực hiện chủ yếu qua các kênh: tại hội nghị giao ban dư luận xã hội; hội nghị thông tin chuyên đề; hội nghị báo cáo viên… đã có sự chuyển biến tốt. Nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của dư luận xã hội đối với từng lĩnh vực cụ thể ở địa phương.
Việc chủ động nắm bắt, dự báo các vấn đề phát sinh trên địa bàn: nhiều vụ việc đã từng bước được tham mưu giải quyết, không để phát sinh “điểm nóng” ngay từ cơ sở, góp phần ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời để tăng cường nắm bắt thông tin, định hướng DLXH từ mạng xã hội, Ban Tuyên giáo các quận, huyện thị ủy phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Coi việc trao đổi thông tin, tranh luận với các quan điểm trái chiều là một hình thức vừa đấu tranh vừa định hướng dư luận xã hội. Một số quận, huyện thường xuyên cập nhật thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của mình, các trang fanpage của mình để kịp thời tổng hợp, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.
Về công tác phối hợp với các sở, ngành trong thực hiện công tác dư luận: phối hợp công tác triển khai điều tra xã hội học với Ban Tuyên giáo Thành ủy như: triển khai nội dung điều tra về văn hóa giao thông, về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông; điều tra về việc thực hiện “Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Chương trình phối hợp với MTTQ Thành phố; điều tra về công tác “Cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố”; “sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ nước sạch” theo Chương trình phối hợp với Sở Nội vụ.. Bên cạnh đó, một số Sở, ngành cũng phối hợp, tham gia trả lời các cuộc điều tra thăm dò dư luận do Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tuyên giáo TW triển khai.
Đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội: Ban Tuyên giáo Thành ủy đã hướng dẫn cho các quận, huyện ủy lựa chọn đội ngũ cộng tác viên phân theo các nhóm đối tượng đặc thù của từng địa bàn, đồng thời ban hành Quy chế, quy định rõ nghĩa vụ và quyền hạn của cộng tác viên dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên chủ động rà soát, khảo sát lại chất lượng đội ngũ cộng tác viên, khảo sát địa bàn bổ sung CTV đảm bảo chất lượng cơ cấu hợp lý, ưu tiên là đội ngũ trẻ tuổi, sinh sống và công tác tại những địa bàn, những lĩnh vực dễ nảy sinh vấn đề phức tạp.
Lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực để “phủ xanh” không gian mạng
Ông Nguyễn Thái An, Trưởng Ban Tuyên giáo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ, Ban Tuyên giáo TW Đoàn đã chủ động đổi mới phương thức, kết hợp nhiều giải pháp để nắm bắt, tổng hợp, phản ánh và định hướng dư luận xã hội trong thanh niên, trong đó chú trọng ứng dụng những thành tựu của chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ. Ông Nguyễn Thái An khẳng định, đội ngũ CTV dư luận xã hội là nhân tố quan trọng để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn; lực lượng này cũng được củng cố từ TW đến cơ sở. Bên cạnh cán bộ Đoàn chuyên trách, các cấp bộ Đoàn đã phát triển lực lượng CTV thường xuyên theo dõi, sử dụng internet, mạng xã hội, lực lượng này đã hoạt động hiệu quả, kịp thời cập nhật tình hình, vấn đề dư luận đang quan tâm tại địa phương, đơn vị. Nhiều nội dung được CTV phản ánh có tính thời sự, nổi cộm trong thanh niên tại từng địa phương, đơn vị. Thông qua công cụ “chatbot” giúp TW Đoàn dễ dàng, nhanh chóng tổng hợp được các thông tin, các luồng ý kiến và tổng hợp báo cáo chung tình hình dư luận xã hội, từ đó kịp thời xử lý, giải quyết những tình huống phát sinh.
Ông Nguyễn Thái An, Trưởng Ban Tuyên giáo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đưa ra một số bài học kinh nghiệm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Hằng năm, hoạt động đối thoại với Ban Bí thư, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan các cấp với thanh niên được thực hiện hiệu quả. Đây là cơ hội để đoàn viên, thanh niên được bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và mong muốn của mình đối với tổ chức Đoàn, cũng là cơ hội để người đứng đầu cơ quan có thể nắm bắt được tình hình, tâm trạng của đoàn viên, thanh niên và dư luận xã hội trong thanh niên. Bên cạnh đó, khi tổ chức các hoạt động lớn của tổ chức Đoàn, TW Đoàn thực hiện livestream trên các trang mạng xã hội của hệ thống Đoàn - Hội - Đội. Thông qua các buổi livestream, TW Đoàn có thể thu nhận được các ý kiến của đoàn viên, thanh niên đối với chất lượng chương trình, từ đó có cơ chế điều chỉnh phương thức, nội dung tổ chức hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra, ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam” của TW Đoàn ngoài việc đăng tải, cung cấp các thông tin của tổ chức Đoàn, tổ chức các hoạt động, cuộc thi, quản lý được thông tin của đoàn viên, thì ứng dụng cũng đã giúp kết nối, thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận thanh niên và giáo dục thanh niên.
Ban đã tham mưu áp dụng phương pháp dữ liệu lớn để nắm bắt, tổng hợp, xử lý và định hướng dư luận xã hội thông qua hệ thống big data (công cụ Viettel Reputa). Đây là phương pháp tập hợp dữ liệu với khối lượng lớn, tốc độ nhanh và đa định dạng, được thu thập, xử lý, lưu trữ trực quan, phân tích, truy vấn… với nhiều hình thức nhằm rút ra nhận định, kết luận với đối tượng nghiên cứu là toàn bộ tổng thể dữ liệu, khác với phương pháp chọn mẫu. Quá trình áp dụng phương pháp dữ liệu lớn (big data) cho thấy việc sử dụng công nghệ chủ yếu là tổng hợp thông tin, quan trọng nhất vẫn là việc chắt lọc thông tin, thường xuyên điều chỉnh chủ đề và nhận định đúng về sắc thái của thông tin (Tích cực, Tiêu cực, Trung lập); đồng thời phải phân tích, đánh giá từ dữ liệu có sẵn để đưa ra các vấn đề có tính khuyến cáo; có sự so sánh, nhận định chiều hướng tác động của thông tin, từ đó dự báo tình hình và có định hướng dư luận thanh niên kịp thời.
Ông cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như sau: kết hợp hài hòa cả phương thức truyền thống, tận dụng lực lượng sẵn có và ứng dụng thành tựu của chuyển đổi số để nắm bắt dư luận xã hội một cách toàn diện, hiệu quả; cần chuyển đổi phương thức truyền thống từ một chiều thành đa chiều, khuyến khích đoàn viên tích cực tham gia ý kiến, góp ý trong quá trình hoạch định và tổ chức các hoạt động, tạo kênh phản hồi hiệu quả để đoàn viên có thể chia sẻ quan điểm, đóng góp ý tưởng; lắng nghe ý kiến, phản hồi của đoàn viên và có những điều chỉnh nội dung, phương thức cho phù hợp; cần chú trọng và quan tâm đến tính dự báo các xu hướng, tâm lý, phản ứng của công chúng trước những sự kiện, vấn đề quan trọng và chủ động đưa ra những thông tin định hướng, tăng cường tuyên truyền các thông tin tích cực để “phủ xanh” không gian mạng, lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực; có cơ chế liên thông, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng để nắm bắt, phản ánh thông tin, trao đổi tin tức, thông tin định hướng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dư luận xã hội.
Khuyến khích đăng tải thông tin, hình ảnh về gương người tốt việc tốt, các mô hình, hoạt động tiêu biểu của Hội
Trong những năm qua, Hội LHPN thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc và thường xuyên quan tâm công tác nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng và dư luận xã hội của phụ nữ và nhân dân, đồng thời xác định việc đổi mới phương thức nắm bắt, dư luận xã hội là nội dung trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của các cấp Hội, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, vừa thực hiện tốt chức năng đại diện của tổ chức Hội. Để làm rõ điều này, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội đã chia sẻ một số giải pháp đã được Ban Thường vụ Thành hội chỉ đạo triển khai thực hiện:
Bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội đã chia sẻ một số giải pháp đã được Ban Thường vụ Thành hội chỉ đạo triển khai thực hiện
Về công tác chỉ đạo: Thành Hội đã chỉ đạo các cấp Hội củng cố, kiện toàn đội ngũ CTV dư luận xã hội các cấp, hội viên nòng cốt tại cơ sở; kiện toàn CTV dư luận xã hội và nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội trong các cấp Hội phụ nữ Hà Nội nhằm hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ Thành phố đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng và dư luận của hội viên, phụ nữ.
Về đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội: các cấp Hội quan tâm nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội qua nhiều kênh như: tổ chức các hội nghị giao ban hàng tháng trong hệ thống Hội, qua báo cáo công tác Hội, thông qua đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là cán bộ hội cơ sở, cán bộ chi, tổ phụ nữ; qua các kênh báo chí, mạng xã hội. Hội LHPN TP. Hà Nội còn chỉ đạo các cấp Hội xây dựng các trang website, fanpage, facebook và các nhóm zalo để tuyên truyền, đăng tải video clip về các hoạt động Hội phụ nữ địa phương, đơn vị; khuyến khích các cấp Hội đăng tải thông tin, hình ảnh về gương người tốt việc tốt, các mô hình, hoạt động tiêu biểu của Hội; chủ động nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, dư luận trước, trong và sau những sự kiện chính trị, những ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô, những vấn đề phức tạp có tác động tới tư tưởng phụ nữ và Nhân dân; thường xuyên cung cấp thông tin theo chuyên đề về các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai, chính sách, luật pháp, vụ việc phức tạp nảy sinh tới đội ngũ cán bộ Hội, đội ngũ CTV dư luận xã hội làm cơ sở cho quá trình nắm bắt, cập nhật thông tin, tạo sự chuyển biến mạnh về khả năng, chất lượng công tác dự báo, định hướng của đội ngũ cộng tác viên và cán bộ làm công tác dư luận xã hội.
Website, fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô tích cực bám sát tình hình của đất nước, Thủ đô, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của thành phố, kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… có vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.