Trà Vinh: Nâng cao chất lượng cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo từ mô hình “Truyền thông trong cơ sở thờ tự”
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở “Nơi nào có phụ nữ nơi đó có tổ chức Hội”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định để đạt mục tiêu chung là vận động, tập hợp, nâng cao trình độ, nhận thức, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội vùng dân tộc thiểu số, vùng có đạo tạo điều kiện giúp chị em phụ nữ kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước…, các cấp Hội cần tập trung: (1) tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo tích cực học tập, nâng cao trình độ, nhận thức mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; (2) vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; (3) đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp làm công tác dân tộc – tôn giáo, đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo.
Hội LHPN tỉnh đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện mô hình “Truyền thông trong cơ sở thờ tự” nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các chức sắc, chức việc, tín đồ, phật tử các tôn giáo. Đến nay, đã thành lập 49 tổ “Truyền thông trong cơ sở thờ tự” với 547 thành viên, Ban Chủ nhiệm CLB là các vị Sư cả và các thành viên tham gia trong Ban trị sự chùa, Chủ tịch Hội LHPN xã và chi hội trưởng phụ nữ ấp, khóm trên địa bàn. Tại các buổi truyền thông, Hội đã không ngừng đổi mới nội dung tuyên truyền tập trung về phòng, chống bạo lực gia đình; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa chưa phù hợp và một số vấn đề xã hội cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nâng cao chất lượng về nội dung công tác xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm mô hình còn đại diện tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, đề xuất với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, tham gia giám sát và phản biện các chính sách có liên quan đến phụ nữ và trẻ em cũng như tổ chức các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội... Qua quá trình thành lập và hoạt động đến nay, 100% CLB “Truyền thông trong cơ sở thờ tự” phát huy hiệu quả tốt trong công tác tuyên truyền, được sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương. Định kỳ hàng tháng tổ chức tuyên truyền trong các cơ sở thờ tự vào các ngày lễ, Tết nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ và Nhân dân. Đề xuất với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp Hội trong thực hiện các chương trình, dự án tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ dân tộc được vay vốn ưu đãi theo quy định của nhà nước để phát triển kinh tế gia đình.
Thông qua mô hình, bà con vùng đồng bào dân tộc nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng có thêm kiến thức về pháp luật; giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều chị em hội viên là người dân tộc đã ý thức trách nhiệm tự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, các chị đã tham gia nhiều mô hình phát triển kinh tế tại địa phương như tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ hùn vốn xoay vòng, tổ phụ nữ chăn nuôi heo, chăn nuôi bò, tổ trồng màu…
Thông qua mô hình "Truyền thông trong cơ sở thờ tự", các cấp Hội phát động đến hội viên trong toàn tỉnh hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, qua đó được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân đặc biệt là hội viên phụ nữ dân tộc đã thực hiện tốt tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống, song song đó các cấp Hội tranh thủ vận động từ các đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức thăm và giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, yếu thế; trẻ em nghèo, mồ côi… với trên 6.000 phần quà.
Với kết quả đạt được, Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết, sinh hoạt tôn giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của hội viên, phụ nữ nói chung và hội viên phụ nữ Khmer nói riêng, nhằm kết hợp với các cơ sở tôn giáo cũng như các chùa Phật giáo Nam tông Khmer để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước đến các hội viên, phụ nữ. Thông qua hoạt động của CLB vừa tiếp tục định hướng cho phụ nữ giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa phát huy sức mạnh nội lực của hội viên trong phát triển kinh tế, gắn với rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.