Tổ truyền thông cộng đồng ở xã Trường Sơn (Quảng Bình): Giúp phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính mình
Trường Sơn là một xã biên giới nằm ở phía tây của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã, không có điện lưới, không có nước sạch để sinh hoạt. Trẻ em muốn đi học phải đi bộ đường rừng hàng chục cây số, bằng cả ngày đường đi bộ như bản Dốc Mây, Hôi Rấy, Nước Đắng… Xã có 4 thôn và 15 bản, có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Kinh và dân tộc Bru – Vân Kiều. Trong đó, đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bà con ở nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi.
Xã Trường Sơn được chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng"
Đồng bào dân tộc Bru – Vân kiều vẫn còn nhiều hủ tục tồn tại, là rào cản lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, người phụ nữ ở nơi đây vẫn là nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình với nhiều nguyên nhân và vẫn còn tồn tại nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong quá trình thực hiện mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết, đã luôn bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội cấp trên và chủ động trong công tác tham mưu cho UBND xã trong việc lựa chọn thành viên tham gia Ban Điều hành, xây dựng và ban hành các văn bản như Quyết định thành lập, quy chế hoạt động, và ra mắt 3 tổ truyền thông cộng đồng tại địa bàn xã.
Hoạt động của 3 tổ truyền thông ở thôn bản
Cũng trong thời gian thực hiện chỉ đạo điểm, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng; hướng dẫn tổ chức, vận hành và duy trì mô hình. Lễ ra mắt mô hình và truyền thông mẫu được tổ chức nghiêm túc, các buổi sinh hoạt tại thôn, bản đều được chuẩn bị chu đáo, huy động đông đảo bà con nhân dân cùng tham gia. Vì vậy, sau buổi truyền thông mẫu, Ban điều hành đều đảm nhiệm tốt vai trò của mình; các cuộc sinh hoạt đã huy động đông đảo người dân tham gia và sự đón nhận hồ hởi, phấn khởi của bà con dân bản. Bước đầu đã có những tác động tích cực đối với phụ nữ, trẻ em và người dân ở nơi đây.
Tổ truyền thông cộng đồng đã huy động được lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia
Tổ truyền thông cộng đồng đã huy động được lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia. Họ là những người đi đầu trong thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu, lan tỏa và giúp cho người dân có thêm sự hiểu biết, để sẽ chia, đồng hành, giúp cho phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính bản thân mình.