Video

Nâng cao vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập

14/04/2024
Là nhóm đối tượng yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thường phải chịu nhiều thiệt thòi bởi những tác động của các tập tục lạc hậu. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay, với sự quyết tâm, sáng tạo, nhiều phụ nữ người DTTS đã tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin để vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tân Bắc do chị Tải Thị Mai sáng lập đã tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương

Ngày nào cũng thế, chị Tải Thị Mai, người dân tộc Pà Thẻn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tân Bắc (thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) luôn tất bật chuẩn bị cho những đơn hàng khách đặt. Khi mới thành lập năm 2017, HTX dệt thổ cẩm Tân Bắc có 10 chị em giỏi nghề, đam mê với công việc dệt vải, thêu hoa.

Do hoạt động hiệu quả và có ý nghĩa nên chị em tham gia HTX ngày càng đông hơn, đến nay, HTX đã có 15 thành viên. Trao đổi với chúng tôi, chị Tải Thị Mai cho biết: “Trước đây, cuộc sống của bà con Pà Thẻn vô cùng khó khăn, quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối vào mấy sào ruộng mà cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Để nâng cao thu nhập, giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tôi đã cùng các chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn cùng nhau góp sức, đứng ra thành lập HTX thổ cẩm Tân Bắc. Kể từ đó, đời sống của bà con thay đổi và dần ổn định hơn”.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống được lưu truyền qua bao đời nay của người Pà Thẻn. Nhận thấy phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ giúp phụ nữ DTTS học hỏi được nhiều điều, vừa giữ gìn văn hóa, vừa tiếp cận giao lưu với phát triển du lịch cộng đồng, chị Mai đã tìm tòi, học hỏi cách bán hàng và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện mạng xã hội.

Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm của HTX không chỉ cung ứng tại địa phương mà còn được sản xuất theo đơn hàng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó giúp các hội viên có khoản thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp chị em nâng cao đời sống, nguồn vốn đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.

Tương tự như chị Mai, chị Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX Mường Hoa (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã thành công với việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Chị Lan cho biết: “Nhận thấy Sa Pa là mảnh đất du lịch, với tiềm năng phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, như: Khâu, thêu, may, nhuộm... năm 2018 tôi quyết định thành lập HTX Mường Hoa nhằm khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và tăng thêm thu nhập cho chị em ở trong bản”. 

Sau 5 năm thành lập, đến nay, HTX Mường Hoa đã đem lại việc làm cho nhiều phụ nữ ở xã Tả Van. Tham gia HTX, các chị em vừa có thêm thu nhập với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Để khách hàng hiểu hơn về sự khác biệt cũng như giá trị văn hóa mà các sản phẩm mang lại, chị Lan đã tổ chức nhiều chuyến tham quan về quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công. Cùng với đó, khách hàng cũng được trải nghiệm các hoạt động thực tế tại địa phương, như: Vẽ sáp ong, nặn hương thảo mộc, nhuộm chàm...

Thành công của chị Tải Thị Mai hay chị Sùng Thị Lan chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương điển hình của phụ nữ vươn lên trong xã hội hiện nay. Điều này cho thấy, đây là những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS. 

Theo thống kê, phụ nữ DTTS hiện chiếm 49,8% trong tổng số hơn 14,2 triệu người DTTS trên toàn quốc. Từ việc ngày ngày cặm cụi lao động, thêu thùa, chăm con, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí có người không thể nói được tiếng phổ thông, đến nay, mọi chuyện đã đổi thay mạnh mẽ, vị thế và đóng góp của phụ nữ DTTS đang ngày càng được xã hội ghi nhận.

Để giúp phụ nữ DTTS phát huy thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống, qua đó nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 đã khẳng định mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ với đối tượng phụ nữ DTTS.

Theo đó, từ năm 2021 đến hết năm 2025, chương trình sẽ triển khai 10 dự án thành phần, trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ DTTS, đó là: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Dự án 8). Dự án tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Trao đổi với chúng tôi, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: “Với những nỗ lực, cố gắng vươn lên của phụ nữ DTTS trong những năm gần đây, vị thế, vai trò của phụ nữ là người DTTS đã ngày càng được nâng cao.

Minh chứng là trong các năm qua, đã có những lãnh đạo, đại biểu Quốc hội là phụ nữ người DTTS. Ở những vùng đồng bào DTTS, nếu phụ nữ được khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các mô hình sản xuất thì họ có thể làm chủ cuộc sống, thúc đẩy kinh tế phát triển. Do vậy, cần tăng cường cơ hội để phụ nữ DTTS tham gia bình đẳng vào thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ”.

Báo Quân đội nhân dân

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả