Tin hoạt động Hội LHPN tỉnh Kiên Giang
- Tọa đàm giải pháp thực hiện hiệu quả đề án 938
- Hội thảo giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
- Ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2027 với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh
- Diễn đàn “Phụ nữ Kiên Giang thời kỳ công nghệ số”
Hoạt động do Hội LHPN tỉnh Kiên Giang tổ chức nhằm giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, thúc đẩy tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động Hội. Diễn đàn với sự tham gia của 5 diễn giả cùng 185 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cán bộ Hội LHPN các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn.
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng trao đổi về các tác động cả về lợi ích cũng như mặt trái của chuyển đổi số đang đặt ra hiện nay; nhiều câu hỏi liên quan đến ứng dụng công nghệ số trên mọi mặt của đời sống xã hội, giải pháp để tham gia mạng xã hội an toàn, đảm bảo an ninh mạng, cách quản lý sim chính chủ, giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nữ và hộ kinh doanh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; giải pháp nâng cao kiến thức về Công nghệ thông tin cho cán bộ Hội cơ sở và chi hội để các chị có thể ứng dụng vào hoạt động Hội; giải pháp đấu tranh với các thông tin xấu độc trên không gian mạng; nhiệm vụ và giải pháp để tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và người dân để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 08/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng năm 2030…
Với những vấn đề được đại biểu đặt ra các diễn giả đã giải đáp và định hướng đầy đủ các thông tin để cán bộ Hội các cấp ứng dụng, làm cơ sở để thực hiện, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân thời gian tới.
- Tọa đàm giải pháp thực hiện hiệu quả đề án 938
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 938 của Hội LHPN tỉnh Kiên Giang với sự chủ trì của Chủ tịch Hội HLPN tỉnh Trần Thu Hồng, Phó Chủ tịch Thái Thị Duy Ngân cùng sự tham gia của hơn 60 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh; Tổ trưởng, Tổ phó Tổ triển khai Đề án cấp huyện; 6 xã điểm của tỉnh, 9 xã điểm của huyện/thành phố.
Đại biểu dự tọa đàm chụp hình lưu niệm
Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2022 đến nay Ban Chỉ đạo Đề án 938 tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ, phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới cho nhóm đối tượng đạt gần 70% so với tổng số cha, mẹ có con dưới 16 tuổi; duy trì 965 mô hình tổ, nhóm, CLB hoạt động hiệu quả với 19,825 thành viên như: Ngôi nhà an toàn, Tổ an toàn, Gia đình hạnh phúc, Gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã thu hút sự quan tâm và tích cực tham gia của hội viên phụ nữ và người dân; tổ chức tập huấn, hướng dẫn được tổ chức 44 lớp, cho trên 2.000 lượt cán bộ, công chức tham gia; hằng năm Ban Chỉ đạo tỉnh có kế hoạch kiểm tra Tổ triển khai đề án cấp huyện và cơ sở; trong 2 năm (2022-2023) cấp tỉnh, huyện, xã được bố trí ngân sách 765.789 triệu đồng để thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương nhận thấy còn những tồn tại, hạn chế, trong đó, một số ngành, đơn vị cho rằng Đề án này của tổ chức Hội LHPN, nên chỉ có các cấp Hội thực hiện; việc rà soát đánh giá chất lượng, hiệu quả các mô hình hỗ trợ, can thiệp một số nơi chưa được quan tâm, các mô hình hiệu quả chưa kịp thời nhân rộng; việc bố trí ngân sách, vận động xã hội hóa, lồng ghép gắn kết việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Đề án còn hạn chế…
Những vấn đề nêu ra tại buổi tọa đàm đã được đại biểu tham gia trao đổi tích cực, thảo luận tìm ra nguyên nhân hạn chế, vướng mắc vừa qua, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch Đề án giai đoạn 2022-2027.
- Hội thảo giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
Xác định nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ là một trong những nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, thời gian qua các cấp Hội trong tỉnh triển khai, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ: Tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.495 lượt cán bộ Hội, phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thành viên Hợp tác xã, tổ Hợp tác; tổ chức cuộc thi viết dự án phụ nữ khởi nghiệp, cuộc thi “Mỗi xã 1 sản phẩm”, đến nay toàn tỉnh có 73/176 sản phẩm do phụ nữ là chủ thể đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên; hỗ trợ tạo điều kiện cho 129 phụ nữ xây dựng dự án tham gia các cuộc thi do TW Hội tổ chức; tổ chức Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, trưng bày sản phẩm, biểu dương 242 gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu; hỗ trợ 1.641 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng các hình thức; phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang đưa 44 doanh nghiệp trưng bày giới thiệu 53 sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm đặc trưng vào các hệ thống phân phối... đồng thời hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo; tạo việc làm, tăng thu nhập... thông qua việc hỗ trợ xây dựng 39 mô hình sinh kế tạo việc làm tại chổ, hỗ trợ vốn vay cho 60.068 thành viên vay với số tiền 2.020 tỷ đồng thông qua nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguồn vốn các chương trình, dự án, đề án của Hội quản lý...
Quang cảnh buổi hội thảo
Việc tổ chức hội thảo giúp Hội tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thời gian tới, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và góp phần cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
- Ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2027 với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh
Chương trình phối hợp thực hiện với các nội dung: (1) Triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các loại hình tín dụng khác; (2) Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó tập trung vào giáo dục tài chính cho phụ nữ, góp phần hạn chế tín dụng đen; (3) Nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; (4) Tăng cường chia sẽ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông về hoạt động của hai Bên, công tác an sinh xã hội và các hoạt động phối hợp khác.
Quang cảnh hội nghị ký kết
Thông qua chương trình phối hợp giúp cán bộ, hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn và nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, nhất là phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý, tổ hợp tác của phụ nữ; hạn chế “Tín dụng đen”, tránh rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính...
Hiện nay, Hội phụ nữ đang nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 1.991 tỷ đồng, hỗ trợ 57.873 thành viên vay; Tổng dư nợ cho vay tại Agribank trên 12,5 tỷ đồng; tại LienVietPostbank dư nợ trên 2 tỷ đồng.