Nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở Quảng Nam
Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã vận dụng sáng tạo để triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Cuộc vận động (CVĐ) “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Phong trào“Quảng Nam chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Công tác giảm nghèo được các cấp Hội LHPN trong tỉnh phối hợp, triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả để hỗ trợ hộ gia đình và phụ nữ phát triển kinh tế; trọng tâm là tập trung đẩy mạnh hoạt động xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Các mô hình tiết kiệm tín dụng, mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của phụ nữ, ưu tiên hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo,cận nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được triển khai, nhân rộng. Năm 2023, Hội xây dựng 04 mô hình giảm nghèo “Phát triển sản xuất cộng đồng” hỗ trợ cho 40 hộ phụ nữ tại các xã Lăng, B’halê (huyện Tây Giang); xã Tà Lu, Sông Kôn (huyện Đông Giang) với kinh phí 1 tỷ đồng.
Duy trì, phát triển một số mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương như: mô hình nuôi dê khép kín của chị Cao Thị Hóa (thôn Lâm Môn, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh), từ nguồn vốn giải quyết việc làm Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), chị Hoá được vay 150 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống. Nhờ siêng năng tìm tòi, học hỏi và nổ lực không ngừng, năm thứ 4 trở đi, đàn dê của chị dần ổn định, số lượng ngày càng tăng. Mỗi năm chị cung cấp ra thị trường hàng trăm con dê giống và dê thịt, giá từ 4,5 - 5 triệu đồng/ con. Bình quân thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ năm.
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tập trung có chuồng trại do Hội LHPN huyện Nam Trà My triển khai tại xã Trà Nam đã mang lại hiệu quả tích cực, trở thành mô hình điểm để các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện học tập. Từ số con giống ban đầu, 22 hộ phụ nữ tại thôn 2 (xã Trà Nam) đã góp thêm ngày công xây dựng chuồng trại, khoanh nuôi, thay nhau chăm sóc, bảo vệ. Nhờ đó, ngoài số dê thương phẩm xuất bán ra thị trường, hằng năm tổng đàn luôn giữ ổn định số lượng 50 - 60 con, giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo của xã.
Điều đáng quan tâm hiện nay là, vượt qua những rào cản về giới và định kiến của tập tục vùng cao, nhiều phụ nữ ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… cũng đang cho thấy vai trò “đầu tàu” với cách làm ăn mới. Điển hình như Bh’nướch Thị Blắc (xã Bha Lêê, Tây Giang) đã chuyển hướng chăn nuôi heo đen, kết hợp nuôi gà và trồng cây quế, keo lá tràm. Sau 5 năm chị có 20 ha keo, hơn 300 con heo, gà; từ hộ khó khăn, chị Blắc vươn lên trở thành điển hình của xã, có của ăn của để.
Từ năm 2017, thông qua triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội hỗ trợ xây dựng một số mô hình giúp chị em làm ăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo như mô hình trồng cây đẳng sâm, cây ba kích tím, nuôi bò, heo đen, ngang;... Năm 2021 – 2023, các cấp Hội đã huy động nguồn lực, trao phương tiện sinh kế cho 7.321 phụ nữ nghèo, kinh phí hơn 20,8 tỷ đồng; triển khai và duy trì hiệu quả 289 mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế như “Heo đất nhà ta”, “Heo đất lòng vàng”, “Heo đất tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”... thu hút 10.496 phụ nữ tham gia.
Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia gia quản lý và tạo việc việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2023” của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh có 101 Hợp tác xã (HTX) với 302 thành viên nữ và 608 lao động nữ. Bằng tâm huyết và sáng tạo không ngừng, những năm qua, các HTX trong tỉnh đã đưa ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng vững chắc góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề tỉnh Quảng Nam.
Từ thực tiễn những kết quả đạt được, thời gian đến Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội LHPN trong tỉnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phụ nữ xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập và lồng ghép giới; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường; thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, huy động các nguồn lực để hỗ trợ chọn các mô hình sản xuất đảm bảo phù hợp điều kiện, lợi thế của từng vùng, tập quán từng địa phương để giúp khai thác được tiềm năng tự nhiên và lao động; chú trọng đầu tư mô hình sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hình thành các nhóm, tổ hợp tác sản xuất dựa trên lợi thế của từng địa phương, để cùng nhau hỗ trợ và liên kết phát triển, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả.