Hội LHPN Việt Nam ký kết 3 nội dung phối hợp quan trọng với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2024-2026
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chủ trì Lễ ký kết.
Phát biểu chương trình, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: “Trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đội ngũ nữ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, nhiều công trình có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Nhiều nhà khoa học nữ, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, Top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á...; ở nhiều chuyên ngành đa dạng như lúa gạo, dược phẩm, giáo dục, y sinh, chăm sóc sức khỏe, hoá mỹ phẩm… và cả những lĩnh vực nếu từ góc nhìn của định kiến giới cho rằng đó là lĩnh vực của nam giới như năng lượng tái tạo, hạt nhân…”.
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Lễ ký kết
Trong ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng đã dấn thân, dám nghĩ, dám làm; tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; tạo nên những sản phẩm thiết yếu, mang lại giá trị to lớn, bảo đảm tính căn cơ, bền vững và lợi thế của sản phẩm Việt trên thị trường trong nước và quốc tế…
Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học công nghệ. Điển hình như hoạt động xét chọn, trao Giải thưởng Kovalevskai, qua đó tôn vinh các nhà khoa học nữ với các công trình nghiên cứu xuất sắc, các nữ chủ doanh nghiệp đạt thành tựu cao trong ứng dụng khoa học công nghệ… Hội LHPN Việt Nam ở cấp TW và tỉnh thành cũng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn; góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội và hỗ trợ phụ nữ tiếp cận khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, đưa sản phẩm ra thị trường. Chỉ tính riêng cấp TW, mỗi năm có từ 8-10 đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai.
Toàn cảnh chương trình
Đặc biệt, sau gần 7 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã hỗ trợ được hơn 72 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 1.470 doanh nghiệp nữ, gần 12 nghìn HTX, THT, TLK được thành lập mới. Hơn 45 nghìn doanh nghiệp nữ được tư vấn, đào tạo, kết nối tiếp cận nguồn vốn trên 400 tỷ đồng. Đã có 147 dự án khởi nghiệp của phụ nữ đạt giải tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc, trong đó 10 dự án gắn với công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy giá trị văn hoá, truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, làm nên thương hiệu Việt, giới thiệu đến mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
Trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội cũng đang nghiên cứu triển khai hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho HTX, THT ở những nơi có điều kiện để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số trong sản xuất sản phẩm có ứng dụng khoa học công nghệ.
Các lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ tham dự Lễ ký kết
Chủ tịch Hà Thị Nga bày tỏ mong muốn, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quan tâm hơn trong sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học công nghệ; nghiên cứu, đề xuất chính sách, cơ chế tạo môi trường để đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm và tiềm năng; giới thiệu, đề xuất các nhà khoa học nữ tham gia Giải thưởng Kovalevskai; quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong hoạt động Hội; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh...
Tại chương trình, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng khẳng định: “Hội LHPN Việt Nam đã luôn xác định tầm quan trọng của KHCN&ĐMST, coi phát triển KHCN&ĐMST đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vai trò vị thế của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và bình đẳng giới”.
Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tin rằng Chương trình phối hợp sẽ giúp nâng cao vai trò vị thế của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam
Ông Huỳnh Thành Đạt tin tưởng rằng, Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan sẽ tạo các điều kiện thuận lợi hơn để Bộ Khoa học & Công nghệ và Hội LHPN Việt Nam đồng hành trong công cuộc “tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước” như Văn Kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình
Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo hai đơn vị đã thực hiện ký kết Chương trình phối hợp với 3 nội dung quan trọng:
(1) Phối hợp trong nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách, nâng cao năng lực, tôn vinh các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc
(2) Phối hợp trong truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực về ứng dụng khoa học và công nghệ
(3) Phối hợp trong việc thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ (ĐA 844, ĐA 939)
Hội LHPN Việt Nam tặng quà lưu niệm cho Bộ Khoa học & Công nghệ
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023: Việt Nam được xếp hạng thứ 46 trên 132 quốc gia, nền kinh tế; tăng 2 bậc so với năm 2022. Đồng thời Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. |