Chuyển đổi số và hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

08/03/2024
Xác định chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy cả hệ thống tham gia công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…

Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, khách quan của sự phát triển trong giai đoạn cả thế giới chịu tác động của toàn cầu hoá và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0). Từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thực hiện công cuộc CĐS quốc gia, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thể hiện quan điểm của Đảng ta là“Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội..”, “…phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp...”.

Chiến lược CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, xác định: “CĐS quốc gia là mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu” với tầm nhìn đến năm 2030 là: “Việt Nam trở thành quốc gia số…; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020).

 

Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế số Đến 2025 Đến 2030
- Tỷ trọng kinh tế số 20% GDP 30% GDP
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực đạt tối thiếu 10% 20%
- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 10% trên 20%
- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trên 80% 100%
- Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số trên 50% trên 70%
- Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động trên 2% trên 3%

Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến 2025, định hướng đến 2030.

Cùng với đó, xác định thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế số, Quyết định 465/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu “Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng”; “Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và địa phương về mức độ phát triền TMĐT…”

Hai Đề án của Chính phủ, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề ấn “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện, đều đặt ra giải pháp nâng cao nhận thức về CĐS số cho các nữ chủ doanh nghiệp, nữ quản lý hợp tác xã/tổ hợp tác; ứng dụng thực hành CĐS trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ và hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.

… và hành động của Hội LHPN Việt Nam

Xác định CĐS, tham gia TMĐT sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nên Hội LHPN Việt Nam không đứng ngoài cuộc công cuộc CĐS quốc gia.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) xác định “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” là một trong 2 khâu đột phá nhiệm kỳ. Nghị quyết Đại hội đề ra các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hệ thống Hội hỗ trợ phụ nữ tham gia tích cực trong công cuộc CĐS quốc gia:

(i) Chương trình “Hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số” cùng các nhiệm vụ: vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, tiếp cận kinh tế số; thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia thương mại điện tử.

(ii) Công tác hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác đặt ra yêu cầu: HTX phát triển phải theo chiều sâu, gắn với tạo việc làm cho người lao động, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sâu; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ quảng bá, phát triển các sản phẩm bản địa, cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường…

(iii) Công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, trọng tâm là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đề ra yêu cầu các cấp Hội tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ CĐS, ứng dụng TMĐT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, bắt kịp với nhu cầu và xu thế của hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực chuyển đổi số cho phụ nữ; đề xuất các giải pháp hỗ trợ phụ nữ tham gia vào kinh tế số.

 Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trong thời kỳ 4.0” trực tuyến ngày 23/02/2022.

Trên thực tế, các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế của Hội LHPN đã chuyển đổi phương thức thực hiện theo hướng CĐS. Nhiều cuộc tập huấn, hội nghị, hội thảo, sự kiện hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới tận cơ sở Hội và phát trực tuyến trên các kênh truyền thông của Hội trên Internet. Tài liệu truyền thông được số hóa thành các dữ liệu số, clip, phóng sự, ấn phẩm trực tuyến, triển lãm online, truyền thông sâu rộng trên các kênh truyền thông của Hội, các trang mạng xã hội. Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam có chuyên trang riêng về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; fanpge “Hội LHPN Việt Nam”; fanpage riêng về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” - những kênh truyền thông chính của Trung ương Hội LHPN Việt Nam - đã truyền thông sâu, rộng các hoạt động nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của Hội LHPN các cấp, các gương phụ nữ khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Các cấp Hội tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp của phụ nữ qua các nền tảng số như: sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Postmart, Vỏ sò...; hỗ trợ kết nối, đưa các sản phẩm của phụ nữ lên các sàn thương mại điện tử; quảng bá sản phẩm cho phụ nữ trên facebook, zalo, google…; phối hợp với các chuyên gia TMĐT hỗ trợ kỹ thuật xây dựng thành công nhiều mô hình kinh doanh cho phụ nữ trên các nền tảng số...

Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 làm giãn cách xã hội, từ 2020 -2022, các cấp Hội đã tổ chức gần 800 khoá đào cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp do nữ làm chủ tạo về TMĐT; kỹ năng kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, livestream bán hàng trên các nền tảng số, mạng xã hội (facebook, youtube; zalo…); xây dựng, quản lý gian hàng trên các sàn TMĐT; xây dựng và quản lý website bán hàng, sử dụng các nền tảng logictic số… Các bài giảng đều được xây dựng thành clip sử dụng được trên đa nền tảng với những hướng dẫn cụ thể, trực quan sinh động. Cuộc thi Livestream bán hàng (tháng 10/2021) hướng tới đối tượng tham gia là học viên đã tham gia các lớp đào tạo về livestream bán hàng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức thu hút hơn 200 thí sinh tham gia, trong đó có nhiều phụ nữ lần đầu tiên tiếp cận với hoạt động kinh doanh trên mạng. “Diễn đàn phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trong thời kỳ 4.0” được tổ chức trực tuyến tháng 02/2022 đã thu hút hơn 1.000 người tham dự và trên 14.000 lượt người theo dõi. Các sự kiện, cuộc thi, tập huấn cho tác giả đề án, chấm đề án, trao giải cũng được Hội thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đồng thời phát trực tiếp trên Fanpage Hội LHPN Việt Nam, Fanpage “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam và các nền tảng khác.

Và mới đây, sự kiện cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài năng bản địa” năm 2023 được Hội triển khai rộng khắp toàn quốc, nổi bật là cuộc thi cấp vùng, cấp toàn quốc đã thực hiện theo phương thức chuyển đổi số ở hầu hết các khâu: đăng ký dự thi; cung cấp thông tin, tài liệu; tiếp nhận hồ sơ dự thi của thí sinh; tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật; chuyển tải trực tuyến các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, các Lễ trao giải cấp vùng, Lễ trao giải toàn quốc trên các kênh truyền thông của Hội.  Tại Lễ trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao cuộc thi và ghi nhận: “Các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp với nhiều chủ đề khác nhau đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của tổ chức Hội nhằm đáp ứng ngày các tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới. Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp là diễn đàn lớn, sâu rộng, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong hành trình khởi nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả  nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cá thể… Những đóng góp của phụ nữ thông qua những hoạt động khởi nghiệp không chỉ góp phần to lớn trong phát triển kinh tế đất nước mà còn có những tác động tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần vào ổn định chính trị xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Hàng ngày, trên vườn quýt thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chị Lò Dìn Phủng và chị em phụ nữ vừa cắt quả, vừa livestream thuyết minh giới thiệu sản phẩm quýt của địa phương trên mạng xã hội.

Những hoạt động thiết thực trong chuyển đổi số của Hội thực sự là đòn bẩy giúp phụ nữ nắm bắt xu thế, thế mạnh của công nghệ, chủ động tham gia vào kinh tế số. Nhiều chị em phụ nữ đã phát huy được năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, các nền tảng số để khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm. Trong số đó có không ít phụ nữ nông dân, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số lần đầu tiên biết đến khái niệm về TMĐT, nhưng vẫn mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tham gia kinh tế số. Những sự thành công đó đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện Chiến lược CĐS quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

https://www.youtube.com/watch?v=tFkC12qmKVI

Ban Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển kinh tế TW Hội

Video