Xóa hủ tục phụ nữ không chồng sinh con bị phạt vạ cả con trâu
Phụ nữ Bru-Vân Kiều với những "việc nhà" nặng nhọc
Mới hơn 4 giờ chiều, nhưng bản Bến Đường (xã Trường Sơn) đã chìm trong biển sương mù dày đặc, trên những con đường mòn về bản, từng tốp phụ nữ Bru-Vân Kiều lầm lụi cõng củi về nhà. Vì thường xuyên bị gùi củi cao, nặng đè trên lưng nên người nào cũng khom khom, cặm cụi khi bước đi.
Đặt gùi củi nặng trĩu xuống đất, bà Hồ Thị Bon (50 tuổi), lau những giọt mồ hôi ướt trên trán, ngậm ngùi kể về công việc cõng củi từ rừng ra.
Xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là một xã vùng biên giáp với nước bạn Lào. Xã có 4 thôn và 15 bản với 2 dân tộc cùng sinh sống là Kinh và Bru – Vân Kiều, trong đó, đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm hơn 60%. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Bà con ở nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi.
Theo bà Bon, từ xưa đến nay, người Bru-Vân Kiều coi việc lấy củi là công việc của phụ nữ. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Bon đã theo mẹ, theo chị luồn lách trong rừng sâu tìm củi, chặt những cây to đã khô, bổ ra thành từng thanh củi cho vào gùi cõng về nhà. Nói thì đơn giản vậy, nhưng đây là công việc vô cùng nặng nhọc, mất rất nhiều công sức. Mùa đông giá rét, những phụ nữ Bru-Vân Kiều phải dậy từ 4 giờ sáng để lên rừng, vượt qua quãng đường núi cao, vực sâu để lấy củi và có thể trở về khi trời xẩm tối với gùi củi trĩu nặng trên lưng.
Công việc của phụ nữ Bru-Vân Kiều rất vất vả, ngoài công việc trên nương, dưới ruộng, phụ nữ Bru-Vân Kiều còn phải cáng đáng hết những công việc gia đình như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, chăn nuôi lợn, gà. Còn đàn ông Bru-Vân Kiều chỉ quan tâm đến việc dựng nhà và cày bừa trên nương, rảnh rỗi họ lại rủ nhau uống rượu.
Đôi chân của Hồ Thị Xin bị dị tật nên đi lại gặp nhiều khó khăn
Nguyên nhân sâu xa của hôn nhân cận huyết
"Trước đây phong tục ở bản Bến Đường này, con cô nhất định phải lấy con cậu. Hậu quả của cặp hôn nhân cận huyết này là những đứa trẻ được sinh ra đã không được lành lặn về trí tuệ và thể chất…", bà Hồ Thị Con (người có uy tín ở bản Bến Đường) vừa nói vừa chỉ vào đôi chân dị dạng của em Hồ Thị Xin (19 tuổi, con của một cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống trong bản).
Theo bà Con, trong đám cưới của người dân tộc Bru-Vân Kiều, nhà trai tốn rất nhiều của cải. Lễ vật cưới vợ của chàng trai phải có 1 con trâu, 3 con lợn, 5 con dê, 9 con gà và 1 thỏi bạc đặc.
"Nếu con trai trong nhà mà lấy người ngoài dòng máu làm vợ thì sẽ bị mất lượng lớn của cải này. Khi con cô lấy con cậu, của cải của 2 gia đình được chuyển về cho nhau, họ đều là anh em nên coi như không bị mất ra ngoài", bà Con lý giải về việc tại sao bố mẹ của em Xin lại kết hôn, trong khi 2 người là họ hàng.
Bố mẹ của Xin sinh được 3 người con, Xin là con gái lớn, dưới Xin còn có 2 em trai. Trong 3 chị em, chỉ có Xin là bị dị tật ở đôi chân, còn 2 người em trai của Xin vẫn phát triển bình thường, nhưng không được khôn ngoan như những đứa trẻ bình thường khác.
"Do bị dị tật chân nên em không có khả năng lao động, việc đi lại cũng rất khó khăn. Hàng ngày em chỉ ở nhà, quét dọn nhà cửa. Em học hết lớp 12 thì nghỉ học vì gia đình không có điều kiện, hơn nữa đi học em cũng gặp nhiều áp lực. Các bạn ở trường thường trêu chọc em", Xin tâm sự.
Những hủ tục đè nặng lên thai phụ Bru-Vân Kiều
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, những năm qua một số hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ khỏi đời sống của người dân xã Trường Sơn. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số ít hủ tục khiến chị em phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi.
Trường hợp chị Hồ Thị Hồng (ở bản Bến Đường) mặc dù gia đình rất khó khăn, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, bản thân chị Hồng đã bị phạt vạ tới 3 con trâu. Lý do là chị sinh 3 lần nhưng không có chồng.
Bà Duyên cho biết, theo phong tục của người Bru-Vân Kiều, nếu phụ nữ không có chồng mà sinh con sẽ bị bản phạt vạ 1 con trâu. Phụ nữ chửa trước khi kết hôn cũng bị phạt. Ngoài ra, nếu sinh con ở ngoài bản (trừ trường hợp sinh con tại cơ sở y tế) cũng sẽ bị phạt.
"Trong trường hợp nhà nghèo không có trâu nộp phạt, bản sẽ yêu cầu bố mẹ đẻ của người vi phạm phải nộp. Nếu bố mẹ cũng không có thì bản sẽ thực hiện "cưỡng chế" hoặc người vi phạm sẽ bị cả bản cô lập", bà Duyên nói.
Người Bru-Vân Kiều quan niệm rằng, nếu phụ nữ sinh con mà không có chồng sẽ mang lại tai họa cho cả bản, vì thế luật tục này được thực hiện rất nghiêm ở bản Bến Đường suốt nhiều năm qua.
Sau khi nộp trâu, người trong bản sẽ mang trâu ra khu vực linh thiêng của bản để làm lễ cúng. Sau đó, người dân trong bản cùng thịt trâu và ăn uống ngay tại đây. Đặc biệt, nếu ăn uống xong còn thừa đều mang vứt hết đi chứ không cầm về nhà.
Đổi thay từ khi có "Tổ truyền thông cộng đồng"
Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết: Năm 2022, xã Trường Sơn được TƯ Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em năm 2023) về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng".
Mặc dù mới thành lập hơn 1 năm, nhưng mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" đã mang những hiệu quả rõ nét. Đàn ông trong xã đã "biết làm" việc nhà, tình trạng bạo lực gia đình cũng giảm hẳn, trẻ em ở địa phương cũng được chăm sóc tốt hơn. Từ năm 2022 đến nay, chưa có trường hợp bạo lực gia đình nào chính quyền phải can thiệp.
Tình trạng tảo hôn ở địa phương cũng giảm dần trong 3 năm qua. Năm 2021 có 10 trường hợp tảo hôn, năm 2022 giảm xuống còn 8. Từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 5 trường hợp tảo hôn. Còn hôn nhân cận huyết trong 5 năm gần đây không có. Tục phạt trâu phụ nữ sinh con không có chồng nay cũng đã thay đổi. Tuy chưa chấm dứt hoàn toàn tục này nhưng mức phạt vạ đã nhẹ hơn rất nhiều.
"Từ khi thành lập mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, cán bộ TƯ Hội LHPN Việt Nam thường xuyên về địa phương để tổ chức các buổi tập huấn về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em năm 2023, thu hút được đông người tham gia", bà Dung cho hay.
Bà Hồ Thị Thư, Trưởng bản Đá Chát (xã Trường Sơn) cho biết, trước đây người dân trong bản nếu ốm đau hay bệnh tật gì thì sẽ mời thầy mo về để cúng để khỏi, chứ không đi bệnh viện. Còn gãy tay, gãy chân thì mời thầy "thổi" về làm phép để cho lành vết thương.
"Tuy nhiên từ khi có mô hình Tổ truyền thông cộng đồng xuất hiện tại địa phương, nhận thức của bà con đã thay đổi trông thấy. Hiện nay, hễ ai ốm đau bệnh tật gì, họ đều đến bệnh viện để thăm khám chứ không mời thầy mo về làm phép như trước đây nữa", bà Thư cho hay.
Theo bà Dung, trước đây các cấp chính quyền địa phương cũng rất tích cực trong công tác tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Vận động bà con từ bỏ một số hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, cần có nhiều thời gian hơn trong tuyên truyền, vận động để mang lại hiệu quả cao hơn, vững chắc hơn.
Thành viên của "Tổ truyền thông cộng đồng" bao gồm: Hội LHPN cơ sở, các tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, trưởng bản, già làng, người có uy tín… Họ là những người đi đầu trong thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, giúp cho người dân có thêm sự kiến thức, đồng hành, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính mình.