Việc nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 vẫn là một thách thức không nhỏ
Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt cao nhất từ trước đến nay
Bà Tạ Thị Yên chia sẻ, trong quá trình giám sát và hướng dẫn triển khai công tác bầu cử, nội dung bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử luôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu các Ủy ban bầu cử báo cáo, đánh giá để đưa ra các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra. Kết quả sau hiệp thương lần thứ ba, người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt 45,38% (393 người); tỷ lệ ứng cử đại biểu HĐND cả ba cấp là nữ ở nhiều địa phương đều đạt và cao hơn so với quy định.
Từ việc xác định tỷ lệ cơ cấu hợp lý và kỹ lưỡng, sát sao trong công tác thực hiện, trong quá trình, kiểm tra, giám sát nên tỷ lệ nữ trúng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ đạt 30,26% (151 đại biểu), tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh là nữ đạt 29% (1079 đại biểu, cao hơn 2,44% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ đại biểu HĐND cấp huyện là nữ đạt 29,08% (6.557 người, cao hơn 1,58% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ đại biểu HĐND cấp xã là nữ đạt 28,48% (68.265 người, cao hơn 1,89 so với nhiệm kỳ trước).
Việc tăng số lượng, hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ qua đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND và đã có tác động tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, giám sát những vấn đề về quốc kế dân sinh.
Sự nhiệt huyết, hiệu quả trong hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân. Qua mỗi nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND đều tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng về bản lĩnh, kinh nghiệm hoạt động nghị trường; không những hoàn thành tốt vai trò của người đại biểu mà còn có những thành công trên các cương vị công tác khác, được Đảng, cử tri và Nhân dân ghi nhận.
“Chính sách đối với cán bộ nữ đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ và chất lượng nữ đại biểu dân cử các cấp, tuy nhiên, mặc dù có chuyển biến theo chiều hướng cao hơn các nhiệm kỳ trước, nhưng vẫn tăng chậm. Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ về vai trò của phụ nữ trong công việc, trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nói chung, ở các cơ quan dân cử nói riêng mặc dù chúng ta đã có Luật bình đẳng giới. Thậm chí do quan niệm của chính bản thân phụ nữ nói chung, nữ đại biểu dân cử nói riêng về vai trò của họ trong các cơ quan dân cử, đây cũng chính là một rào cản trong việc nâng cao tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử. Do đó, việc ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đỏi hỏi mỗi ứng cử viên nữ ngoài tiêu chuẩn ứng cử đại biểu dân cử nói chung, cần đáp ứng về trình độ là người có trình độ hiểu biết nhất định trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội và kỹ năng vận động bầu cử”, bà Tạ Thị Yên nhận định.
Tỷ lệ nữ trúng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt cao nhất từ trước đến nay
5 giải pháp tăng tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031
Từ kết quả, thực trạng, việc nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 vẫn là một thách thức không nhỏ. Do vậy, bà Tạ Thị Yên cho rằng, cần phải có một số giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi như Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác cán bộ nữ; quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ, trong đó có đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; tâm tạo điều kiện cho phụ nữ được học tập, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng hoạt động khi tham gia vào cơ quan dân cử.
Thứ hai, mở rộng thẩm quyền cho các cơ quan, tổ chức trong việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là nữ bảo đảm số lượng. Cần chủ động quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Xem xét, bố trí tỷ lệ thích hợp để giới thiệu một số nữ đại biểu Quốc hội không đủ tuổi tái cử hoặc là các chuyên gia, các nhà khoa học... để giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với tư cách là chuyên gia.
Thứ ba, cần tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: trong những năm qua, việc triển khai chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là nữ chưa đạt. Cần bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ; có chính sách khen thưởng, phê bình, từ đó các cấp, các ngành có hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng.
Thứ tư, hạn chế tình trạng một đại biểu nữ “gánh” quá nhiều cơ cấu, vừa cơ cấu trẻ, cơ cấu dân tộc, cơ cấu là trí thức và cơ cấu ngoài Đảng… Việc gắn quá nhiều cơ cấu vào một nữ đại biểu dẫn đến tình trạng người trẻ thì chưa qua đào tạo, ít kinh nghiệm thực tiễn, thiếu các kỹ năng cần thiết của người đại biểu nhân dân; mà kể cả khi có đủ điều kiện thì gánh nặng gia đình, trách nhiệm làm mẹ, nuôi con nhỏ lại rất nặng nề nên chị em rất khó để tham gia các hoạt động xã hội, tham gia đại biểu dân cử ở lứa tuổi này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trúng cử cũng như chất lượng của nữ đại biểu dân cử.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kỹ năng vận động ứng cử đối với nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trước mỗi cuộc bầu cử. Từng đại biểu nữ cần nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức; vượt qua tâm lý an phận, tự ti và những đặc điểm về giới; chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để vận động bầu cử và văn hóa ứng xử, giao tiếp... nhằm tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, ấn tượng sâu lắng và tin tưởng của cử tri khi bỏ phiếu bầu cho mình.