Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường với sản phẩm truyền thống

29/10/2024
Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã triển khai 3 mô hình sinh kế hiệu quả do nữ làm chủ, đồng làm chủ. Trong đó có mô hình Tổ Liên kết nấu rượu men lá (xã Thu Cúc) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Mô hình Tổ Liên kết nấu rượu men lá (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Từ bao đời nay, nghề nấu rượu men lá đã được ông cha truyền lại cho con cháu như một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trước đây, rượu men lá chủ yếu được nấu tại nhà và tiêu thụ trong cộng đồng địa phương. Cho đến nay, hương vị đặc biệt của rượu men lá đã được biết đến nhiều hơn.

Các thành viên của Tổ Liên kết nấu rượu men lá

Nhiều phụ nữ người Mường ở xã Thu Cúc (Tân Sơn) đã manh nha thực hiện mô hình kinh tế hộ gia đình. Vừa qua, Hội LHPN xã Thu Cúc đã chính thức thành lập mô hình Tổ Liên kết để các hộ gia đình có cơ hội phát huy tiềm năng và lợi thế từ loại đặc sản địa phương này.

Bà Hoàng Thị Minh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Thu Cúc cho hay, vừa qua, Hội LHPN xã Tân Sơn đã thành lập 3 tổ liên kết được ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường. Bao gồm 1 tổ liên kết chăn nuôi gà thương phẩm (khu Chiềng 2); Tổ Liên kết chăn nuôi vịt suối và Tổ Liên kết nấu rượu men lá tại khu Ú, xã Thu Cúc.

Riêng Tổ Liên kết nấu rượu men lá của xã Thu Cúc với sự tham gia của 5 phụ nữ dân tộc Mường. Đây là những phụ nữ cùng chung chí hướng, có khát vọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đỡ nhau trong quá trình trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cũng như cùng nhau học tập đưa sản phẩm ra thị trường và cùng vươn lên làm giàu.

Rượu men lá được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu thiên nhiên, trong đó có lá và vỏ cây cò rịch, thân cây và củ riềng, gạo và một số loại thảo dược khác như ớt, gừng, niểng côi, nhân trần nước, quế, mía,… Quy trình làm rượu men lá trải qua các công đoạn tỉ mỉ, cần sự khéo léo và kinh nghiệm lâu năm.

Các nguyên liệu như lá cây cò rịch, thân cây riềng, cùng các thảo dược khác được băm nhỏ, giã nhuyễn thành bột mịn. Hỗn hợp bột này được trộn với một lượng nước vừa đủ và nặn thành các viên men tròn nhỏ. Men sau đó được ủ từ 2 đến 3 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Khi men chuyển sang màu trắng, tỏa ra mùi thơm dịu đặc trưng thì mang phơi khô hoặc đưa lên gác bếp để bảo quản lâu dài.

Gạo được ngâm từ 4 đến 6 tiếng, sau đó đem đồ chín và để nguội. Khi cơm đã nguội, trộn đều với men đã làm, sau đó tiến hành ủ trong khoảng 2 ngày. Sau thời gian này, khi kiểm tra nếu thấy cơm mềm nhừ và có mùi thơm thì tiếp tục thêm nước và ủ thêm 8 đến 10 ngày nữa trước khi đem chưng cất.

Sau thời gian ủ, hỗn hợp được đưa vào chưng cất qua hệ thống nấu rượu. Quá trình chưng cất yêu cầu điều chỉnh nhiệt độ cẩn thận để thu được rượu trong và giữ lại hương vị tự nhiên của các loại thảo mộc. Rượu sau khi chưng cất có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh và đặc biệt không gây đau đầu hay chóng mặt khi uống.

Chị Hà Thị Năm, thành viên của Tổ cho biết, quy trình làm rượu men lá trải qua các công đoạn tỉ mỉ, cần sự khéo léo và kinh nghiệm lâu năm

Theo bà Hoàng Thị Minh Thảo, rượu men lá không chỉ là sản phẩm truyền thống mà còn là niềm tự hào của người Mường. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã hy vọng có thêm nguồn vốn đầu tư để giúp chị em mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hơn và có cơ hội đưa rượu men lá của người Mường ra thị trường lớn.

Rượu sau khi chưng cất có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh và đặc biệt không gây đau đầu hay chóng mặt khi uống

"Mong muốn của chúng tôi là giới thiệu nét đặc trưng của rượu men lá đến du khách bốn phương, để ai cũng có thể cảm nhận được hương vị độc đáo của vùng đất và con người nơi đây. Nếu có thêm cơ hội và sự hỗ trợ, Tổ Liên kết sẽ không ngừng phát triển và mở rộng để thu hút nhiều phụ nữ tham gia hơn. Mong rằng sản phẩm này sẽ giúp chị em có thu nhập ổn định, không cần phải đi làm thuê xa nhà mà vẫn có thể phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Từ đó, các chị em có cuộc sống tốt hơn, gắn bó hơn với bản làng, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc", bà Hoàng Thị Minh Thảo chia sẻ.

Thực hiện Dự án 8 của Chính phủ, với sự chỉ đạo của UBND huyện Tân Sơn và Hội LHPN huyện Tân Sơn, Hội LHPN xã Thu Cúc đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, đổi mới nhằm nâng cao các chỉ số hoàn thành mục tiêu Dự án 8.

Tổ Liên kết nấu rượu men lá là mô hình hiệu quả mang lại thu nhập cho chị em thành viên khoảng 50 triệu đồng/năm. Đối với một xã miền núi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thì đây là mức thu nhập khá, có thể đảm bảo đời sống cho hội viên phụ nữ tham gia mô hình.

Mô hình này cũng góp phần vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp chị em mạnh dạn làm giàu bằng nghề truyền thống, nâng cao đời sống và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video