Tây Ninh: Nữ cựu tù cách mạng – vững mãi một lòng kiên trung

13/03/2025
Trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, có những chàng trai, cô gái đã sẵn sàng gác lại tuổi thanh xuân, đi theo tiếng gọi của non sông và “mệnh lệnh trái tim” của một người con đất Việt, hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã bị bắt, bị tù đày đến nhiều nhà tù, thậm chí là “địa ngục trần gian” – Côn Đảo.
Bà Phan Thị Út (người đứng ngoài cùng bên phải) và bà Nguyễn Thị Sinh (người thứ 4 từ phải qua) vui mừng, xúc động khi gặp lại những đồng đội năm xưa

Hòa bình lập lại, trở về quê hương họ mang trên mình nhiều thương tích nhưng tinh thần thép và lòng kiên trung vẫn vẹn nguyên. Họ mãi là kết tinh của những gì đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm ngời lên chân lý: song sắt có thể cầm tù một thể xác, nhưng không thể giam hãm một tâm hồn, một lý tưởng...

“Thà hy sinh chứ nhất định không khuất phục”

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện và lắng nghe những câu chuyện chiến đấu từ bên ngoài thực địa đến chốn lao tù của những nữ cựu tù cách mạng.

“Thà hy sinh chứ nhất định không khuất phục” là câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất trong cuộc trò chuyện với Bà Phan Thị Út, thường gọi là Út Nghét, Đội trưởng, Bí thư Chi bộ Đội tự vệ mật huyện Toà Thánh, Tây Ninh.

Trong không khí ấm áp của buổi về nguồn tại Căn cứ Giồng Nần – nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh, Bà Phan Thị Út không thể nào quên được những ngày sống, chiến đấu để giành lại hoà bình cho dân tộc.

Bà kể, giữa năm 1969, bà cùng hai đồng đội theo lệnh điều động của cấp trên lên huyện Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành) thành lập Đội tự vệ mật, hoạt động trong vùng giặc tạm chiếm ở khu vực Toà Thánh - Long Hoa. Những “nữ tướng” ấy đã thực hiện được trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ngay tại các cửa chợ Long Hoa, Trường Nông Lâm Súc ở Bến Kéo, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, quân cảnh, thám báo.

Tuy nhiên, cuối tháng 12.1972, do sơ suất của một cơ sở là người chạy xe lôi chở “đồ hàng bông” của Đội tự vệ mật vào nội ô Toà thánh bị lộ, toàn đội bị giặc bắt, chỉ có bà Út Coi (Nguyễn Thị Coi) do đã trở về Trảng Bàng là không bị bắt.

Đầu năm 1973, bà Út Nghét cùng một đồng đội bị Toà án quân sự Vùng 3 chiến thuật của quân đội Sài Gòn tuyên án tử hình, các đồng đội khác của bà bị tuyên án 3 năm hoặc tù chung thân. Năm đó, Út Nghét vừa tròn 27 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng.

“Ra đến đảo, địch phát hiện tôi có thai nên lại đưa tôi về đất liền, giam ở nhà lao Thủ Đức. Tôi sinh đứa con duy nhất của mình trong nhà tù, con không một lần được thấy mặt cha. Bởi chồng tôi cũng đã hy sinh trong một trận đánh”- bà Út Nghét tâm sự.

Suốt những năm trong lao tù, bà Út Nghét và đồng đội của mình đã chịu không biết bao nhiêu đòn roi, tra tấn của địch. Nhưng bà quyết không khai, giữ vẹn tinh thần cách mạng của một đảng viên cộng sản, bản chất trung trinh, tiết liệt của một người phụ nữ Việt Nam.

Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tù nhân nhà lao Thủ Đức phá ngục trở về với cuộc sống tự do. Trở về địa phương, bà Út Nghét tiếp tục công tác trong lực lượng Công an huyện Trảng Bàng, Phó trưởng Phòng Thương binh - Xã hội huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) cho đến khi nghỉ hưu.

Trong ký ức của bà Út Nghét, những ngày gian khổ chiến đấu và bị giam trong lao tù là những ngày mà lòng kiên trung theo Đảng, ý chí quật cường và lòng yêu nước càng được bồi đắp, nung nấu. Những vết thương trên thân thể hay những trận đòn roi, những lần bị tra tấn dã man đến chết đi sống lại vẫn không thể dập tắt được ý chí đấu tranh, tư tưởng của những người Cộng sản, ngược lại còn giúp những người phụ nữ vốn “chân yếu tay mềm” kiên cường hơn bao giờ hết.

Những nữ tù tuổi trăng tròn

Hầu hết những nữ cựu tù cách mạng đều tham gia cách mạng khi tuổi còn rất trẻ, dấn thân vào cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ của dân tộc với một lý tưởng duy nhất: Để đất nước sớm có ngày hoà bình - độc lập - tự do.

Bà Nguyễn Thị Sinh, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh, lớn lên trong một gia đình nông dân yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Với quyết tâm đánh đuổi Mỹ-nguỵ, giành độc lập cho dân tộc, khi vừa tuổi trăng tròn, bà Sinh đã bắt đầu tham gia quân báo R (Trung ương Cục miền Nam). Năm 1968, trong một lần làm nhiệm vụ, bà và 2 người đồng đội bị địch bắt.

Kẻ thù đã bằng mọi cách bắt bà và đồng đội phải cúi đầu, khai báo những tin tức quan trọng của ta cũng như của các chiến sĩ, đồng đội đang hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, với lý tưởng cách mạng và niềm tin tất thắng, những người phụ nữ tay không một tấc sắc, với ý chí kiên định vẫn đủ sức chiến đấu và chiến thắng mọi cực hình tàn khốc.

“Khi tham gia cách mạng, chúng tôi đã dặn dò nhau nếu bị bắt thì không khai báo, nếu chết sẽ chết một mình, quyết không khai ra người thứ hai và tổ chức. Do đó, khi bị địch bắt, chúng tra tấn bằng đòn roi, chích điện, rồi lại dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ nhưng chúng tôi không khai. Vài tháng sau chúng tôi được thả, nhưng một đồng đội do vết thương quá nặng đã hy sinh”- bà Sinh nói.

Chính sự hy sinh của đồng đội, sự dã man của kẻ thù đã khiến những người phụ nữ vốn tưởng như “chân yếu tay mềm” lại càng quyết tâm chiến đấu, giành độc lập cho dân tộc. Sau khi ra tù, bà Sinh lại tiếp tục hoạt động cách mạng, góp sức vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta.

Còn đối với bà Đặng Thị Khoạnh, nữ chiến sĩ Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, ký ức về một thời chiến tranh ác liệt vẫn còn sâu thẳm trong trí nhớ.

Bà Khoạnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, căm thù những tội ác tàn bạo của địch, khi tuổi đời còn khá trẻ, bà đã tham gia cách mạng, trở thành nữ chiến sĩ Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng.

Đội được thành lập vào tháng 2.1968, hầu hết là những thanh niên học sinh, chỉ mới tập bắn súng, ném lựu đạn, gài mìn…nhưng đều ra trận với quyết tâm cao với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Đội đã đánh 30 trận, giết chết và làm bị thương 140 tên địch, làm rúng động tinh thần binh sĩ nguỵ.

Cuối tháng 9.1972, bà Khoạnh được tổ chức giao nhiệm vụ đặt mìn tại tiệm cà phê Năm Thu, không may bà Khoạnh bị địch bắt khám xét, kíp nổ còn để trong người, chứng cứ rõ ràng. Vào tù, bà bị địch tra khảo dã man, từ đổ nước xà phòng đến tra điện, bà Khoạnh ngất đi và tỉnh lại nhiều lần, đến khi kiệt sức, bà vẫn không khai một lời nào.

“Mặc dù chịu nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng tôi và đồng đội luôn kiên định với lý tưởng đã chọn, cắn răng chịu đau đớn, quyết không đầu hàng, quy phục. Chúng tôi thà hy sinh chứ nhất quyết không khai, không để lộ bí mật của tổ chức, không khai báo về bất kỳ ai”– bà Khoạnh chia sẻ.

Qua nhiều ngày khảo tra tàn bạo nhưng vẫn không thể khuất phục ý chí của người đảng viên cộng sản trung kiên. Chúng đưa bà qua nhiều nhà lao, từ nhà lao Tân Hiệp, trại giam Hậu Nghĩa, Tam Hiệp và sau đó là đày đi Côn Đảo cho đến ngày giải phóng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về những năm tháng lao tù vẫn in hằn trên thân thể các nữ chiến sĩ như một minh chứng về sự tàn khốc của chiến tranh, để mỗi khi trái gió trở trời lại thêm đau nhức. Nhưng ý chí, sự kiên cường của các cô là một bản hùng ca, tô đậm thêm truyền thống yêu nước, “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam.

Vân Vũ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video