Sửa Luật BHXH: Cần có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ

07/06/2023
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan tới sửa Luật BHXH trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cần đảm bảo các nguyên tắc đóng – hưởng, bình đẳng và chia sẻ, nhưng đồng thời cần có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ không chỉ trong BHXH mà cả ở các chính sách khác.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, nêu câu hỏi chất vấn

Tại phiên chất vấn sáng 6/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời chất vấn trưởng ngành lao động, thương binh và xã hội về những nguyên nhân, giải pháp cho tình trạng này. 

Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, nêu câu hỏi chất vấn: Việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới sẽ khắc phục như nào những tồn tại vẫn còn về chênh lệch tỉ lệ hưởng lương hưu giữa phụ nữ và nam giới? Giải pháp căn cơ trong sửa luật để giải quyết thực tế lao động nữ trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần?

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, cho biết, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với đối với sự ổn định của chính sách. Do đó, đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, nêu câu hỏi chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Về việc rút bảo hiểm một lần, Bộ trưởng cho biết, trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 ngàn, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 ngàn. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, 2 khu vực rút BHXH một lần cao nhất là đối tượng công nhân, và khu vực miền Nam chiếm tới 82% tỷ lệ người rút BHXH một lần.

Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

Về vấn đề sửa luật Bảo hiểm xã hội và đảm bảo lương hưu cho đối tượng nữ giới, nam giới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tiếp thu trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ đang tích cực trong công tác tiếp thu, tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cần đảm bảo các nguyên tắc đóng – hưởng, bình đẳng và chia sẻ, nhưng đồng thời cần có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ không chỉ trong BHXH mà cả ở các chính sách khác.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Việc thu BHXH bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: Nhiều địa phương đã có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Điều này cho thấy cơ quan bảo hiểm xã hội đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan.

Trả lợi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương. Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được phát hiện, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này.

Phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

Về giải pháp căn cơ, trong chương trình xây dựng pháp luật đề xuất đưa các đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật bảo hiểm xã hội. Nếu được Quốc hội cho phép tại nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp này, Bộ kiến nghị cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.

 

Theo: http://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video