Quảng Ngãi: Phụ nữ đồng bào Hrê giúp nhau giảm nghèo
Trao đổi ngày công lao động là nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất và đã có từ lâu đời của đồng bào Hrê huyện miền núi Minh Long. Xuất phát từ tập quán lao động sản xuất của bà con, những năm qua, Hội LHPN huyện Minh Long đã phát triển hiệu quả mô hình “Trao đổi ngày công lao động”. Qua mô hình, không những giúp chị em hội viên phụ nữ giải quyết được bài toán thiếu nguồn lao động ở nông thôn, mà còn góp phần tăng cường tình đoàn kết, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Vào vụ thu hoạch keo, gia đình chị Đinh Thị Sóc ở xã Thanh An, huyện Minh Long có trên 10 chị em phụ nữ trong thôn đến giúp ngày công cho gia đình chị. Chị Sóc cho hay, nhờ có chị em phụ nữ đến giúp mà việc khai thác keo của gia đình chị hoàn thành kịp thời gian, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng thu nhập. Mô hình trao đổi ngày công lao động đã được các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã Thanh An duy trì trong nhiều năm qua và được đông đảo hội viên phụ nữ hưởng ứng tham gia.
Các chị thường tập trung giúp đỡ lẫn nhau làm cỏ mì, phát chồi keo, khai thác keo, đốn củi, làm cỏ, thu hoạch lúa, mì, các loại hoa màu... Để chủ động trong công việc, các chị lên kế hoạch việc nào nên làm trước, việc nào làm sau, do đó việc trao đổi ngày công diễn ra thuận lợi. Nhờ vậy mà công việc hoàn thành kịp thời gian, thời vụ, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập. Mô hình không chỉ giúp hội viên phụ nữ, bà con Nhân dân trên địa bàn huyện hỗ trợ nhau ngày công lao động, sản xuất, mà còn giúp các hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, góp phần thắt chặt tình đoàn kết.
Những năm qua, mô hình được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện miền núi Minh Long nhân rộng, lản tỏa. Chỉ tính riêng trong năm 2022 và 2023, toàn huyện đã có hơn 1.500 hội viên phụ nữ vần đổi trên 2.500 ngày công lao động. Bà Đinh Thị Nghiêng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Long cho biết: “Đây là mô hình rất được đông đảo hội viên phụ nữ hưởng ứng. Thông qua mô hình góp phần giảm chi phí trong lao động, sản xuất, tăng cường tình đoàn kết trong hội viên phụ nữ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nhân rộng mô hình để thu hút tập hợp chị em tham gia vào tổ chức Hội, qua đó xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh”.
Đây là một trong những mô hình tôn lên nét đẹp văn hóa “nghĩa tình” của người đồng bào Hrê mà các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Minh Long đang triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua mô hình đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động ở địa phương, giảm chi phí thuê nhân công nên lợi nhuận của người dân cũng tăng lên.