Quảng Ngãi: Nữ lao công trả lại gần 100 triệu đồng cho người đánh rơi
Trước đó, khi đang làm việc tại đoạn đường Võ Nguyên Giáp, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi, chị Phương đã nhặt được một túi ni lông, bên trong có số tiền gần 100 triệu đồng.
Chị Phương cho biết, khi phát hiện túi ni lông ai đó đánh rơi ở bên đường và nhận thấy đó là một số tiền lớn nên chị quyết định đem về cất kỹ, sáng hôm sau lên trình báo tại trụ sở Công an xã Tịnh Ấn Tây và bàn giao lại số tiền trên cho cơ quan công an.
Sau khi tiếp nhận các thông tin trên, 11 giờ sáng 11/12, Công an xã Tịnh Ấn Tây đã tiến hành rà soát, xác minh và xác định số tiền mà chị Phương nhặt được là của anh Nguyễn Văn Cường (29 tuổi) trú tại tổ 6, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi làm rơi. Đến 14 giờ 11/12, toàn bộ số tiền đã được Công an xã Tịnh Ấn Tây và chị Phương trao trả lại cho anh Cường.
Anh Cường cho biết, anh là nhân viên Công ty CP Giao hàng nhanh, số tiền đó là tiền thu của các nhân viên giao hàng khác nộp lại trong ngày, nhưng khi đi trên đường lại sơ ý đánh rơi, anh vô cùng biết ơn và xúc động trước hành động của chị Phương, cảm ơn Công an xã Tịnh Ấn Tây và chị Phương đã liên hệ để anh sớm nhận lại được số tiền đó.
Được biết, chồng chị Phương cũng là nhân viên Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi nhưng đã mất cách đây 3 năm, chị Phương bán vé số và nuôi ba người con ăn học. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Công ty CP Môi trường Đô thị đã tạo việc làm và hỗ trợ chị chi phí nuôi các con và cấp lại cho chị một căn nhà mới có chỗ che mưa, che nắng nên đã phần nào làm vơi đi nỗi đau mất mát đó.
Việc làm của chị Phương là hành động nhân văn và có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng, là nhân tố tích cực để giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, ý thức trách nhiệm với cộng động, xã hội.
Thiếu tá Nguyễn Định Nhất, Phó trưởng Công an xã Tịnh Ấn Tây cho biết, hành động của chị Phương rất đáng trân trọng, đáng quý, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, cần nhân rộng và biểu dương. Việc tốt nhân lên nhiều người tốt, từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, trở thành phong trào hành động thiết thực, xây dựng nếp sống cần kiệm, không bị tác động bởi vật chất, mặt trái của đồng tiền.