Quảng Ngãi: Mô hình nấm bào ngư xám của chị Hoàng Thơ mang lại hướng làm kinh tế mới
Sản xuất nấm hữu cơ theo quy trình khép kín
Chị Thơ chia sẻ, trước khi đến với nghề làm nấm chị có công việc văn phòng với mức thu nhập ổn định. Chị bén duyên với nghề nấm khi được một người thân tặng vợ chồng chị tập sách về các loại nấm. Nhờ đọc cuốn sách này mà chị thấy nấm rất giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe lại được sản xuất “sạch” nên chị rất tâm huyết, bắt đầu tìm hiểu và làm. “Vợ chồng tôi “bắt tay” vào làm nấm từ năm 2019, sau nhiều lần thất bại, kể cả mất vốn vợ chồng tôi vẫn không nản chí tiếp tục học hỏi, tìm ra nguyên nhân và rồi những cây nấm chất lượng đã ra đời”, chị Thơ kể.
Năm 2022, vợ chồng chị Thơ quyết định đầu tư 2 tỷ đồng mở trại nấm diện tích trên 1.000m2 tại quê nhà xã Hành Minh. Khác với những trại nấm khác, nhập phôi từ bên ngoài thì chị Thơ tự đóng phôi, cho ra nấm theo quy trình khép kín, hoàn toàn hữu cơ. Theo chị Thơ, trong quá trình làm nấm phải rất kỹ từng công đoạn, phải tạo được bịch phôi có hàm lượng dinh dưỡng cao để nấm phát triển tốt, cho năng suất cao. Khi cho phôi lên kệ phải chú trọng độ ẩm, môi trường xung quanh thông thoáng, ánh sáng phù hợp. Nấm bào ngư xám dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, phải tiến hành rải vôi diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để diệt mầm bệnh, rong rêu. Dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng suất nấm thu hoạch đạt yêu cầu, nhưng vợ chồng chị vẫn không ngừng tiếp tục học hỏi, nâng cao kỹ thuật làm nấm.
Triển vọng phát triển kinh tế
Đến nay, vợ chồng chị Thơ đã sở hữu trại nấm diện tích trên 1.000 m2, được chia làm 6 nhà trồng, tổng cộng 30.000 phôi nấm. Mỗi phôi nấm cho thu hoạch từ 8 đến 9 lần, một lần từ 200 - 250 gram nấm. Mỗi tháng thu hoạch 2 đợt vào dịp ngày mùng 1 và 15 (âm lịch). Mỗi đợt thu hoạch từ 700 đến 800kg nấm, giá bán từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg. Nấm của trại chị Thơ tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, được các thương lái ở chợ đầu mối đặt hàng. Khách hàng tin dùng nhờ để được lâu, cây nấm đẹp mắt, ngọt thơm.
Chị Thơ tâm sự: “Trồng nấm bào ngư xám bên cạnh kỹ thuật thì còn phải giữ uy tín, đảm bảo chất lượng thì khách hàng mới an tâm và quay trở lại những lần tiếp theo”. Chị cũng phấn khởi cho biết nhờ mô hình nấm mà gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, có nguồn thu gối đầu để tái đầu tư mở rộng nhà trồng và trang bị thêm máy móc để làm cây nấm ngày càng đạt chất lượng hơn.
Không chỉ làm phôi phục vụ cho trại của gia đình, thời gian tới chị Thơ sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất phôi nấm bào ngư xám để cung cấp cho các trại nấm trong vùng, nhất là những người đã từng làm nấm thất bị do nhập nguồn phôi không chất lượng, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật làm nấm cho các hộ dân có nhu cầu để cùng nhau phát triển kinh tế, tạo được nguồn nấm sạch cung ứng cho thị trường còn nhiều tiềm năng.
Trại nấm của chị Thơ đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/ tháng. Bà Huỳnh Thị Bảy, thôn Tình Phú Bắc, xã Hành Minh đã làm việc ở trại nấm được 1 năm rồi cho biết: “Làm công việc ở trại nấm nhẹ nhàn, phù hợp với phụ nữ, môi trường thông thoáng sạch sẻ. Vừa có lương hàng tháng vừa làm được việc nhà, nuôi thêm con heo con bò tăng thu nhập cho gia đình. Vui nhất là mùa mưa bão vẫn có tiền lương, không phải đi làm ăn xa như trước đây”.
“Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Nguyễn Thị Nhật Lệ, đây là mô hình tiêu biểu ở địa phương trong vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, năng động của hội viên phụ nữ. Để tiếp sức cho chị Thơ mở rộng mô hình, nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng ở huyện, tỉnh đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm nấm bào ngư xám; tạo điều kiện để sản phẩm nấm được giới thiệu, bày bán trên sàn thương mại điện tử, cũng như kết nối, tạo điều kiện về nguồn vốn để chị Thơ mở rộng sản xuất”. |