Phụ nữ tích cực bảo vệ môi trường
- Phú Yên: Tổng kết, chia sẻ kết quả thí điểm thực hiện sáng kiến truyền thông giảm nhựa

- Bình Dương: Đội tình nguyện “Vì thành phố không rác”
Sáng ngày 23/02, Hội LHPN thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tổ chức ra mắt Đội tình nguyện “Vì thành phố không rác” có 31 thành viên là lực lượng nòng cốt đến từ 14 phường trên địa bàn thành phố tham gia.
Mô hình nhằm nâng cao ý thức về việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị trong mỗi hội viên, phụ nữ và nhân dân từ những hành động nhỏ nhất, gần gũi nhất, tiến tới xây dựng thành phố không rác. Quy chế hoạt động của Đội tình nguyện “Vì thành phố không rác” quy định đội hoạt động định kỳ 2 lần/tháng, với nhiệm vụ ra quân thu gom, dọn dẹp rác thải tại tuyến phố đi bộ Bạch Đằng; tuyên truyền, nâng cao ý thức, vận động người dân cung tham gia dọn dẹp, giữ vệ sinh môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, từ đó hình thành và phát triển ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong mỗi người dân. Ngay sau lễ ra mắt, đội tình nguyện đã có buổi ra quân đầu tiên với đội hình xe đạp tuyên truyền quanh các tuyến đường chính và khu vực chợ Thủ Dầu Một, ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác tại khu vực công viên Bạch Đằng và phố đi bộ Bạch Đằng góp phần giúp người dân nâng cao ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn.
- Phú Yên: Tổng kết, chia sẻ kết quả thí điểm thực hiện sáng kiến truyền thông giảm nhựa
Sáng 23/2, Hội LHPN tỉnh Phú Yên phối hợp Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-VN) tổ chức Hội nghị tổng kết, chia sẻ kết quả thí điểm thực hiện sáng kiến truyền thông giảm nhựa.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức GreenHub và WWF tổ chức triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, tổ chức truyền thông, vận động hội phụ nữ và cộng đồng dân cư nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình, thu gom xử lý rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilong… góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Từ tháng 12/2022, hỗ trợ thành lập 02 mô hình “Chung tay bảo vệ khu dân cư ven biển xanh – sạch – đẹp” tại xóm An Vũ, thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông,huyện Tuy An và xóm Lăng Ông, thôn 2, xã Xuân Hải, TX.Sông Cầu và 01 mô hình “Thí điểm trạm đong đầy- giảm thiểu rác thải dân cư” tại xã Hoà An, huyện Phú Hoà.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện các mô hình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả bước đầu trong triển khai sáng kiến truyền thông giảm nhựa trong thời gian qua và đề ra giải pháp và đề xuất hỗ trợ của các tổ chức trong thời gian tiếp theo.
Nhân dịp này, Tổ chức GREENHUB và WWF-VN biểu dương mô hình đã có nhiều sáng kiến nổi bật trong triển khai thực hiện truyền thông giảm nhựa tại địa phương.
- Bình Phước: Phụ nữ Hớn Quản “Đổi rác thải, lấy quà tặng”
Hội LHPN huyện Hớn Quản phối hợp tổ chức Chương trình “Đổi rác thải - Lấy quà tặng”, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia hưởng ứng.
Chương trình được thực hiện với mục đích lan tỏa thông điệp “Vì một khu dân cư sạch mọi nơi, đẹp mọi chỗ”. Gian hàng trao đổi sản phẩm với hàng trăm sản phẩm như: sữa, dầu ăn, nước tương, nước mắm, hạt nêm, đường, bột ngọt … đã được Hội LHPN huyện và các đơn vị chuẩn bị để Nhân dân mang rác thải tái chế đến và trao đổi, kết quả đã có 430kg rác thải tái chế được thu về tại Chương trình.
Phụ nữ và người dân Hớn Quản tích cực mang rác đến đổi quà
Kết thúc Chương trình, lãnh đạo Hội LHPN huyện đã bàn giao lại toàn bộ số rác thải tái chế cho Hội LHPN xã Thanh An để phân loại và bán cho vựa thu mua, số tiền bán được sẽ được Hội LHPN xã gây quỹ để tiếp tục nhân rộng mô hình hoạt động.
Với cách làm sáng tạo và hiệu quả, chương trình “Đổi rác thải - Lấy quà tặng” góp phần thay đổi dần nếp sống, suy nghĩ của người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiếp cận các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hành động nhỏ và thu gom rác đúng quy định, phân loại rác tại gia đình, từ đó chung tay xây dựng môi trường sống của cộng đồng dân cư sẽ sạch hơn, đẹp hơn.