Những phụ nữ là chứng nhân lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

19/08/2024
Ngày 19/8/1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam trong công tác vận động phụ nữ, là thắng lợi của đường lối kết hợp chặt chẽ mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ.
Vợ chồng nhà báo Thanh Thủy (Tết 1958)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tập hợp trong tổ chức Đoàn Phụ nữ Cứu quốc và Hội LHPN Việt Nam, ở nhiều cương vị khác nhau, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng. Dưới đây là câu chuyện về một số phụ nữ, những chứng nhân lịch sử, đã từng tham gia những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta gần 80 năm về trước.

Đại hội Quốc dân Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam

Ngày 16/8/1945, tại làng Kim Long, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 60 đại biểu đại diện các miền, các giới, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc…

Đại hội đã thống nhất thông qua quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền về Nhân dân; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc (tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

Tham dự sự kiện lịch sử quan trọng này có vợ chồng ông Dương Đức Hiền và bà Thanh Thuỷ, đại diện cho Đảng Dân chủ Việt Nam. Những kỷ niệm về chuyến đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào năm ấy đã được bà chia sẻ trong cuốn tự truyện “Tình yêu và lý tưởng” được xuất bản năm 1998.

“Trưa 16.8, chúng tôi lên tới Tân Trào - vừa rửa mặt xong đã có đồng chí đến giục ăn mặc chỉnh tề ra dự lễ xuất phát của đoàn Quân giải phóng đi đánh Thái Nguyên.

Dưới bóng cây đa cổ thụ, đoàn quân đứng im phăng phắc, trật tự, oai nghiêm. Sau khi đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) đọc lệnh xuất phát, đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại hội chào mừng đơn vị giải phóng quân và chúc đơn vị đánh thắng quân Nhật ở Thái Nguyên. Tôi được thay mặt đại biểu nữ trong Đại hội lên nói.

Tôi cảm động quá, nghẹn lời, chỉ nói được mấy câu:

- Các đồng chí tiến lên, giải phóng Thái Nguyên rồi tiến thẳng về Hà Nội. Hẹn gặp nhau giữa Thủ đô hoàn toàn độc lập!”.

Ít ai biết rằng, Thanh Thuỷ tên thật là Nguyễn Thị (Khánh) Thuận sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thuộc dòng dõi trâm anh. “Sống trên nhung lụa” song cô tiểu thư lá ngọc cành vàng đó đã sớm giác ngộ cách mạng, dám từ bỏ tất cả để dấn thân theo cách mạng và bảo vệ tình yêu đến cùng. Người giác ngộ, dìu dắt bà chính là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương, sau này trở thành người bạn đời của bà: ông Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Chính phủ lâm thời (8/1945 - 3/1946).

Năm 1948, bà tham gia Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Ban phụ vận Trung ương, uỷ viên thường trực Hội LHPN Việt Nam, phụ trách Ban Tuyên huấn TW Hội LHPN Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự ra đời của Báo Phụ nữ Việt Nam.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương

Ở Hà Nội, ngay từ chiều ngày 17/8/1945, ta đã biến cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức (do chính quyền bù nhìn tổ chức) tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố thành cuộc mít tinh của quần chúng ủng hộ Việt Minh. Phụ nữ Hà Nội đã tham gia trong hàng vạn quần chúng dự mít tinh, trong số những người tham gia diễn thuyết tại cuộc mít tinh có bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đội viên Đội Tuyên truyền xung phong của Đảng Dân chủ.

Chiều ngày 16.8.1945, đồng chí Chu Văn Tích gặp tôi báo cho biết là ngày 17.8.1945 trước Nhà hát Lớn sẽ có cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức... Đồng chí đưa cho tôi một mảnh giấy bằng bàn tay. Tôi đọc xong đề nghị cho chữa vài từ…

Chiều 17/8, khoảng 14 giờ trời tạnh, hửng nắng, tôi mặc áo dài tím, quần trắng, tay cầm ví đi cùng đồng chí Chu Văn Tích đến Nhà hát Lớn.

Đồng bào đã tề tựu đông đúc…Tôi bước lên lễ đài, các anh giữ máy khẩn trương chữa cho vang rõ tiếng. Tôi cất giọng: “Xin đồng bào giữ trật tự”.

Cả biển người im phắc, tôi đọc rành rọt lời kêu gọi vắn tắt: “Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Thời cơ thuận lợi đã đến, đồng bào hãy ủng hộ Việt Minh đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc”.

Tôi vừa dứt lời thì tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh” vang lên như sấm rền. Hàng chục lá cờ đỏ sao vàng nổi lên chạy tứ phía, trên gác hai Nhà hát Lớn đồng chí Trần Lâm đã buông lá cờ đỏ rực cả Nhà hát Lớn. Tôi lẫn vào đồng bào, vô cùng xúc động phấn khởi đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh

Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố Hà Nội, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã vùng lên cướp chính quyền thắng lợi.

Chỉ trong vòng mười bốn ngày, suốt từ Bắc chí Nam, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa vĩ đại của toàn dân, cùng với sự tham gia đi đầu của lực lượng phụ nữ, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho tinh thần cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Bà Hà Thị Quế, tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở tỉnh Bắc Giang và được cử vào Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, kiêm phụ trách công tác quân sự toàn tỉnh. Bà Trương Thị Mỹ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, chiếm huyện Hoài Đức (Hà Nội). Sáng 19/8/1945, bà Mỹ lãnh đạo đoàn biểu tình gồm hơn 600 người mang súng, đinh ba, gươm giáo v.v... rầm rập đi từ Canh ra Hà Nội, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”. Bà Phan Thị Nễ là phó ban chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An. Bà Nguyễn Thị Định (Ba Định) cầm cờ dẫn đầu cả ngàn người, phần đông là phụ nữ tay dao, tay gậy cùng cờ băng biểu ngữ đỏ rực rầm rập tiến vào chiếm thị xã Bến Tre. Bà Trần Thị Nhường (tức Sáu Ngài) lãnh đạo khởi nghĩa ở Sa Đéc, bà được cử làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Sa Đéc.

Lễ độc lập ngày 02/9/1945

Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các đô thị, các tỉnh đập tan các cơ quan đầu não của kẻ thù có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng trong phạm vi cả nước. Chiều ngày 2/9/1945, Lễ độc lập được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân. Trong ngày lễ trọng đại này, nữ Đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Đàm Thị Loan (dân tộc Tày), từ chiến khu Việt Bắc về và nữ trí thức yêu nước Lê Thi, hoạt động trong phong trào yêu nước Hà Nội đã vinh dự được kéo ngọn quốc kỳ mầu đỏ, sao vàng năm cánh lên đỉnh ngọn kỳ đài tại buổi lễ.

Bà Lê Thi, tên thật là Dương Thị Thoa là con gái giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, sử học Dương Quảng Hàm. Bà tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vương - Hà Nội), gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc từ năm 17 tuổi.

Ngày 2/9/1945, trong Đoàn Phụ nữ Cứu quốc, bà Lê Thi hoà mình giữa hàng vạn người dân đổ về Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dự lễ mít tinh - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một đồng chí cán bộ từ trên lễ đài đi về phía vị trí của Đoàn nữ Cứu quốc Hà Nội, nói: “Các đồng chí cử một người lên kéo cờ!”. Ngay lập tức, mọi người ở hàng đầu, hướng về phía bà Lê Thi: “Lê Thi, Lê Thi lên kéo cờ!”.

Quá bất ngờ vì niềm vinh dự lớn lao này, bà Lê Thi đã bật khóc, xong rồi nín lặng, bình tĩnh, đĩnh đạc tiến về phía cột cờ. Cùng lúc ấy còn có một phụ nữ dân tộc Tày đã lên trước chờ sẵn, đó là bà Đàm Thị Loan (bà Loan sau này là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái). Bà Loan nâng cờ, bà Thi cầm dây từ từ kéo cờ lên trong tiếng nhạc Tiến quân ca hào hùng. Lá cờ được kéo tới đỉnh cột, tiếng nhạc Tiến quân ca vừa chấm dứt thì Bác Hồ bước ra lễ đài đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan trong ngày gặp lại, 22/12/1989

Cùng với toàn dân, hàng triệu phụ nữ đã hướng về Quảng trường Ba Đình Hà Nội, lòng tràn đầy phấn khởi, xúc động lắng nghe bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc: “Nư­ớc Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Gần 80 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày thu Tháng Tám lịch sử đó, những cau chuyện về những người phụ nữ là chứng nhân lịch sử đó sẽ vẫn còn nguyên giá trị trong mỗi người dân hôm nay và mai sau.

Nguồn:

- Tình yêu và lý tưởng, NXB Phụ nữ, Hà Nội 1998.

- Lịch sử Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tập 1(1930-1976), Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2017.

- Tư liệu, hình ảnh lưu trữ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video