Những người phụ nữ góp phần làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám

19/08/2023
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với những trang sử vàng chói lọi. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập. Cuộc Cách mạng của mùa thu năm ấy ghi nhận sự đóng góp rất lớn của lực lượng phụ nữ, với nhiều gương mặt để lại những dấu ấn đặc biệt.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong cuộc mít-tinh diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), ngày 19/8/1945 - Ảnh tư liệu

Nữ sinh 17 tuổi diễn thuyết tại Quảng trường Nhà hát lớn chiều 17/8/1945

Những ngày tháng 8/1945, tình hình ở Hà Nội lúc đó được đánh giá là "căng như dây đàn". Lúc đó, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim đề nghị Việt Minh tham gia chính phủ Trần Trọng Kim nhưng Việt Minh từ chối. Để lấy lại tinh thần, chính phủ Trần Trọng Kim đã ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít-tinh ngày 17/8 để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim tại quảng trường Nhà hát Lớn. Nhưng có một điều mà chính phủ Trần Trọng Kim không thể ngờ là cuộc mít-tinh sau đó đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng Cách mạng do Việt Minh điều khiển.

Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã lệnh cho đội Thanh niên xung phong Hoàng Diệu lựa chọn một nữ diễn giả gan dạ, mưu trí, sẵn sàng hy sinh, cùng với một tổ đến cướp diễn đàn, phá cuộc mít-tinh vào chiều ngày 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi cuộc mít-tinh vừa bắt đầu thì micro bị cướp và trao cho cô gái Từ Ngọc Trang, thành viên của Đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu, lúc đó mới 17 tuổi. Từ Ngọc Trang được chọn làm đại diện cho lực lượng nam nữ thanh niên Thủ đô, đại diện cho Việt Minh tại Hà Nội, mặc chiếc áo dài màu hồng nhạt cùng tổ trưởng Thái Hy và Phan Lê trà trộn ngay sát bục diễn đàn. Rồi rất nhanh, đồng chí Phan Lê đòi Ban Tổ chức cuộc mít-tinh đưa micro chuyển cho thành viên của Đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu Từ Ngọc Trang đọc ngay lời kêu gọi nhân dân Hà Nội vùng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, ủng hộ Việt Minh. Giọng nói mạch lạc, trong trẻo của người con gái Hà Nội đã làm hàng vạn người có mặt tại quảng trường được tiếp thêm tinh thần sục sôi Cách mạng.

"Bà tướng Việt Minh"

Nói tới cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945, không thể không nhắc đến bà Hà Thị Quế (sinh năm 1921, ở Nho Quan, Ninh Bình).

Chân dung bà Hà Thị Quế

Cùng tiếp sức với Thủ đô, một địa bàn trọng yếu của cơ quan đầu não trung ương lúc bấy giờ là 2 huyện Yên Thế và Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) giao nhiệm vụ phụ trách quân sự cho bà Hà Thị Quế. Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, bọn phỉ hoành hành rất dữ ở Yên Thế. Bà Hà Thị Quế đã chỉ huy lực lượng tự vệ, bắt những tên cướp rồi công khai lập nên tòa án nhân dân xử tử 3 tên tướng cướp ở các vùng: Bố Hạ, Yên Lý, Cao Thượng. Tháng 7/1945, bà Hà Thị Quế đã chỉ huy trận đánh phủ Yên Thế. Lực lượng lúc này của bà khá ít. Bà liên hệ và thuyết phục được đội Cương (chỉ huy lính phủ đi tuần) về phe mình và nạp thêm được đa số lính đi tuần và xa phủ vào lực lượng tự vệ của bà. Kết quả, trận đánh phủ Yên Thế đã thành công và tên tri phủ bị xử tử. Cũng trong tháng 7/1945, bà chỉ huy đánh úp thành công đồn Bố Hạ. Với thành tích lớn như vậy, bà Hà Thị Quế là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, diễn ra tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang) vào chiều 16/8/1945.

Ngay sau khi dự xong Hội nghị và trở lại Bắc Giang vào ngày 17/8, bà cùng ban lãnh đạo Cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi.

Trong cả hai lần hạ phủ Yên Thế và khởi nghĩa giành chính quyền, bà đã sử dụng khẩu súng lục ST – ÉTIENNE, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Danh xưng "Bà tướng Việt Minh" có từ sau những sự kiện trên.

Nữ tướng khăn rằn

Lúc ấy, tại Nam bộ, các tổ chức Phụ nữ cũng hoạt động rất sôi nổi như: Mở các lớp cứu thương, dạy băng bó, hô hấp nhân tạo, tích trữ thuốc men cấp cứu cho người dân. Ở mọi nơi, chị em được phân công đi mua súng đạn của lính Pháp, lính Nhật, lính khố xanh, tích cực tham gia dân quân tự vệ, ngày đêm giữ gìn trật tự, bảo vệ trị an, bảo vệ thôn xóm, tích cực quyên góp ủng hộ Cách mạng.

Tại Bến Tre khi ấy, không ai không biết bà Nguyễn Thị Định (sinh năm 1920, tại Bến Tre). Bà bắt đầu hoạt động Cách mạng từ năm 16 tuổi và năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ban đầu, bà được phân công làm liên lạc, vận động quần chúng vào các "Hội cấy", "Hội cuốc", rải truyền đơn, tuyên truyền Cách mạng trong giới nữ tại quê hương.

Chân dung bà Nguyễn Thị Định

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, bà bị giặc bắt giam tại nhà tù Bà Rá. Để ủng hộ Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà đã dẫn đoàn đông hơn ngàn người rầm rập tiến vào thị xã Bến Tre giành chính quyền. Dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Định, phụ nữ Mỹ Tho, Gò Công chờ đón thời cơ với đội ngũ chỉnh tề. Các bà, các chị say mê làm bất cứ việc gì: học quân sự, học cứu thương, chuẩn bị dự trữ lương thực, mua vải đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm.

Tuy ít tuổi nhưng với ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn là người phụ nữ đầu tiên của Đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Bà cũng là người duy nhất trong phái đoàn 4 người trở về Bến Tre với chiếc thuyền chở đầy vũ khí. Vượt qua mạng lưới bố phòng dày đặc của địch, con tàu "không số" chở 12 tấn vũ khí đã cập bến an toàn, kịp thời chi viện cho chiến trường Nam Bộ, bà trở thành một trong những người góp phần quan trọng cho việc hình thành "Đường Hồ Chí Minh trên biển" ngay từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển rực rỡ sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc cách tháng Tám năm 1945 còn nhiều gương mặt nữ nổi bật như: bà Trương Thị Mỹ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Hoài Đức (Hà Đông); bà Phan Thị Nể là Phó ban chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An; bà Trần Thị Nhường lãnh đạo khởi nghĩa Sa Đéc; bà Ngô Thị Sâm chỉ đạo giành chính quyền huyện Cẩm Giàng (Hải Dương); bà Bùi Thị Phương Diệm tham gia giành chính quyền huyện Ninh Giang (Hà Đông), bà Nguyễn Thị Hảo (Minh Nhã) được lệnh tổ chức việc khởi nghĩa Quốc Oai ngày 16/8/1945. Cùng với đó là sự đóng góp không nhỏ của những người con gái Mỹ Tho như chị Phạm Ngọc Trang, chị Hai Quý, chị Trần Ngọc Thơ (tức Hồng Liên) và phụ nữ các dân tộc Khmer, Hoa ở Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau.

Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Biên niên Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

Video