Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xây dựng Hiến pháp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

16/05/2025
Chiều 16/5, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Dự thảo). Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc Hội Nguyễn Phương Thủy và Trưởng ban Chính sách – Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam Đàm Thị Vân Thoa đồng chủ trì hội nghị.
TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩ Việt Nam năm 2013 (Dự thảo) vào chiều 16/5, tại trụ sở cơ quan TW Hội

Tham dự hội nghị còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các ban/đơn vị thuộc TW Hội LHPN Việt Nam.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng chính trị - pháp lý cao nhất của quốc gia, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ sở cho việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Toàn cảnh hội nghị

Việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đảm bảo Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Là một tổ chức chính trị - xã hội, Hội LHPN Việt Nam bám sát kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của Quốc hội, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước. Hội nghị hôm nay là hoạt động trọng điểm cấp TW để lắng nghe ý kiến khoa học, khách quan từ các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu, tập trung vào một số vấn đề như: về địa vị pháp lý của Măt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong dự thảo Luật; về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị – xã hội; về quy định  “lấy ý kiến Nhân dân” đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đã được quy định trong Hiến pháp 2013…”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu đề dẫn hội nghị

Bản thuyết minh về Dự thảo của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cho biết: Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo gồm có 2 điều: Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tập trung góp ý vào các Điều 9, 10, 84, 110 và 115 của Dự thảo và đề xuất nên gộp hoặc sắp xếp lại một số khoản để bảo đảm kỹ thuật lập pháp, tránh trùng lặp và mâu thuẫn trong các quy định. Các đại biểu nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp phải thận trọng, chỉ sửa những điều thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu quả bộ máy, tránh phá vỡ sự thống nhất và ổn định của Hiến pháp hiện hành.

Việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Góp ý vào các điều khoản nêu trong Dự thảo tại Điều 9, Điều 10, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, cân nhắc một số câu chữ cụ thể trong từng điều, khoản để tránh sự trùng lắp với các điều khoản khác, cần làm rõ ý hơn hoặc cân nhắc sử dụng từ, ngữ để cho thấy sự hài hòa, không mâu thuẫn. Dự thảo sửa đổi làm sao để thể hiện được vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Theo ý kiến của đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định mô hình chính quyền địa phương hai cấp là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, giúp giảm đầu mối hành chính, tránh chồng chéo, đồng thời tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, rõ ràng hơn giữa các cấp chính quyền và trong nội bộ từng cơ quan, tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết cần cân nhắc một số câu chữ cụ thể trong từng điều, khoản để tránh sự trùng lắp với các điều khoản khác

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề cập đến việc cần rà soát, cân nhắc các thuật ngữ trong Hiến pháp, bảo đảm sự rõ ràng, dễ hiểu và đồng bộ trong văn bản pháp luật; làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định trong dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ ý kiến tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá cao 13 ý kiến đóng góp với sự tâm huyết, trách nhiệm và tinh thần xây dựng của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là cơ sở quý giá giúp Hội LHPN Việt Nam tổng hợp các ý kiến một cách đầy đủ, khách quan và trung thực. Phó Chủ tịch cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những đóng góp sâu sắc, thiết thực từ các đại biểu để không chỉ phản ánh đúng nguyện vọng của phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân mà còn góp phần tạo nên những chính sách pháp luật phù hợp, khả thi, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Ban tổ chức hội nghị sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu để gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video