Lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tham dự phiên họp thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam

31/10/2024
Vừa qua, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, với tư cách là tổ chức có quy chế tư vấn với Hội đồng - Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đã tham dự và phát biểu tại phiên họp.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Theo đó, đại diện lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Trung tâm) - đơn vị trực thuộc của Hội LHPN Việt Nam có nhiều hoạt động phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế/thiệt thòi, thông qua các hoạt động và dịch vụ kinh tế - xã hội và phát triển. Tháng 7/2014, Trung tâm chính thức được Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) cấp quy chế tư vấn đặc biệt (ECOSOC là cơ quan chính điều phối các vấn đề về kinh tế, xã hội và các vấn đề liên quan của 14 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, các Ủy ban chức năng và 5 Ủy ban khu vực). Việc được cấp Quy chế tư vấn của ECOSOC là cơ hội để Trung tâm và Hội tham dự các sự kiện quốc tế, tham gia ý kiến, đóng góp về mặt chuyên môn, giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo dựng mạng lưới và vận động hành lang, bày tỏ quan điểm tại các diễn đàn quốc tế nhằm góp phần đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân Việt Nam, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Với vai trò này, Trung tâm nộp Báo cáo định kỳ (4 năm/ lần) lên ECOSOC; đồng thời hai lần cử đại diện tham dự và phát biểu tại Phiên thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt – Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Tại Phiên thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam của Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, trong bài phát biểu của mình, Bà Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh: Trung tâm Phụ nữ và phát triển, thông qua việc tham gia Quy chế tư vấn đặc biệt tại ECOSOC, đã có những hoạt động tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của của phụ nữ và trẻ em. Cụ thể: tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo đánh giá tình hình 30 năm thực hiện Cương lĩnh Bắc Kinh của Việt Nam; Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện Luật bình đẳng giới, cũng như tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi… Đặc biệt, Trung tâm hiện đang vận hành và nhân rộng mô hình nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán trở về với gói dịch vụ khẩn cấp, thiết yếu và toàn diện nhằm giúp họ hòa nhập xã hội một cách bền vững. Từ một Dự án, giờ đây Ngôi nhà Bình yên đã được Chính phủ ghi nhận, hàng năm hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Bà Hiền cũng nêu rõ: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và các tổ chức phi chính phủ được tạo hành lang pháp lý và điều kiện tổ chức các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy và đảm bảo quyền của phụ nữ, từ việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (như Ngôi nhà Bình Yên, Trung tâm một điểm dừng...) từng bước phát triển về số lượng và hoàn thiện tốt hơn các dịch vụ hỗ trợ. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 được xếp thứ 72/146 tăng 11 bậc so với năm 2022 (83/146).

Toàn cảnh Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải giải quyết các thách thức trong tiến trình thực hiện BĐG như các chuẩn mực xã hội có sự phân biệt đối xử với phụ nữ còn phổ biến. Hệ thống chính sách, pháp luật về BĐG, lồng ghép giới trong quy trình xây dựng VBQPPL còn có những khó khăn nhất định. Việc tiếp cận công nghệ thông tin của phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số còn hạn chế; bạo lực gia đình, xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra phức tạp.

Thời gian tới Việt Nam ưu tiên thực hiện một số giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy, nâng cao quyền của phụ nữ và trẻ em gái như: Thúc đẩy tiến trình sửa đổi Luật BĐG năm 2006; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến nhóm phụ nữ, trẻ em gái yếu thế; Thay đổi các chuẩn mực xã hội mang tính phân biệt đối xử và các khuôn mẫu giới; Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số BĐG ở địa phương…

Trung tâm Phụ nữ và phát triển

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video