Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định
Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập và lớn lên từ cái nôi của phong trào phụ nữ miền Nam, với lực lượng tiền thân và nòng cốt của Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn – Gia Định là một bộ phận khắng khít của phong trào phụ nữ Nam Bộ Thành đồng, của phong trào phụ nữ miền Nam Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang.
Tháng 12 năm 1954, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định thành lập Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định do đồng chí Ngô Thị Huệ làm Trưởng ban. Tiếp theo thành lập Ban Phụ vận nông thôn Gia Định. Một lực lượng nữ cán bộ đảng viên dũng cảm trung kiên được bố trí ở nội đô và nội thành là bộ tham mưu, là hạt nhân của phong trào phụ nữ Sài Gòn – Gia Định.
Tịnh xá Ngọc Phương là nơi Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định xây dựng là cơ sở Phụ vận vào tháng 7/1963 tham gia Phong trào đấu tranh của Phật giáo với nhiều cuộc đấu tranh trực diện với địch tại Tòa nhà Quốc Hội và quận Phú Nhuận; xây dựng nhiều hội viên nòng cốt tham gia vào Liên phái Phật giáo và các Tổ chức Phật tử, nơi đây còn là nơi che chở cho sinh viên - học sinh tham gia biểu tình chống địch. Các mẹ, các chị đã vận dụng đường lối đấu tranh chính trị của Đảng một cách sáng tạo, với phương châm: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị từ thấp đến cao qua đó xây dựng lực lượng cách mạng trong khắp các tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, tiểu thương các chợ, công nhân, học sinh, sinh viên, đồng bào Phật tử,...
Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định
Ban Phụ vận đã nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, để Đảng lãnh đạo phong trào phụ nữ; trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh, dân chủ cho phụ nữ các giới; thành lập các tổ chức phụ nữ công khai, bán công khai và bí mật để tập hợp các tầng lớp phụ nữ tham gia đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève và thống nhất đất nước. Điển hình là phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ; phong trào Phụ nữ đòi quyền sống; phong trào cứu trợ nạn nhân chiến cuộc Ngô Đình Diệm - Bình Xuyên; phong trào đấu tranh của Nghiệp đoàn 36 chợ Đô Thành; phong trào đấu tranh Dân sinh dân chủ của Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định… đã góp phần trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Trong đấu tranh có nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận đã hy sinh anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ hoặc bị địch bắt tù đày. Dù bị địch đàn áp dã man, bị đày qua nhiều nhà tù, từ đất liền đến Chuồng Cọp - Côn Đảo vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, kiên cường vượt lên gian khổ mưu trí, can đảm trong chiến đấu và công tác, bất khuất trong lao tù, một lòng theo cách mạng cho đến ngày toàn thắng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Ban Phụ vận được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng Lao động.
Tại Chương trình buổi lễ tưởng niệm, cô Lê Thị Thu Chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến khối Phụ nữ Thành phố, Trưởng Ban liên lạc cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia định đã có bài ôn lại truyền thống.
Hoạt động lễ tưởng niệm là hoạt động thường niên, ý nghĩa của Hội LHPN TPHCM nhằm giáo dục cán bộ Hội các cấp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tấm lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các đồng chí cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của dân tộc, hòa bình, no ấm cho đất nước.