Hỗ trợ tốt nhất cho phu nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài
Hội thảo được chủ trì bởi bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; bà Phạm Thị Lan, Phụ trách chương trình của UN WOMEN và bà Nguyễn Thị Thúy, Chuyên gia về Bình đẳng giới, chủ trì nhóm biên soạn tài liệu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) đã nhìn nhận: “Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ di cư.”
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, phát biểu khai mạc Hội thảo
Một thực tế rất phổ biến là phụ nữ di cư bị bạo lực/mua bán rất khó nhận được sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng nước sở tại vì không thông thạo ngoại ngữ, không biết gọi cho ai, không biết thủ tục pháp lý thế nào… Để giải quyết được vấn đề này cần xây dựng quy trình hướng dẫn chi tiết cho cán bộ hỗ trợ trong việc tư vấn, điều phối, chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, CWD trong khuôn khổ chương trình hợp tác với UN Women đã tiến hành xây dựng “Tài liệu hướng dẫn (SOP) về điều phối, chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, buôn bán tại nước ngoài” dành cho cán bộ đường dây nóng, cán bộ làm việc tại mô hình nhà tạm lánh và các tổ chức xã hội đang hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành trong và ngoài nước.
Hội thảo được tổ chức với mục đích lắng nghe các ý kiến đóng góp, tham luận từ các chuyên gia, các tổ chức để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn và sớm đưa vào áp dụng trong việc hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài. Bên cạnh đó, hội thảo được tổ chức trực tuyến đã nhận được ý kiến đóng góp quý báu của những người con xa xứ đang tích cực hỗ trợ cho các đồng bào lao động tại nước ngoài. Ý kiến của bà Lê Thương, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Người Việt Nam tại Nhật Bản – hiện đang sinh sống tại Osaka (Nhật) đã chỉ ra nhiều vấn đề, khó khăn thực tế trong việc hỗ trợ, giải cứu người di cư tại Nhật cũng như nhiều nước khác.
Phát biểu của bà Lê Thương, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, tại hội thảo qua zoom
PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cũng rất quan tâm đến hội thảo lần này của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Ông trao đổi: “Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài có một lực lượng cô dâu đông đảo, nhất là ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện có khoảng 45 ngàn cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc. Cứ 3 cô dâu người nước ngoài ở Hàn Quốc có 2 cô dâu là người Việt Nam. Các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài chủ yếu qua môi giới không chính thức. Họ hầu như không biết ngôn ngữ nước sở tại, không hiểu về đối tượng kết hôn. Chính những thực tế đó đặt các cô dâu Việt ở nước ngoài vào tình thế bất lợi, dễ bị bạo lực, dễ dẫn đến ly hôn và thiệt thòi lớn khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, nhu cầu trợ giúp của đối tượng cô dâu này rất lớn”
Từ đó PGS.TS Nguyễn Lân Trung nhìn nhận: Điều quan trọng là cần có các biện pháp giúp chị em cởi bỏ tâm lý tự ti, sợ hãi, thấy rằng quyết định cầm điện thoại tìm kiếm sự trợ giúp khi có vấn đề là bình thường, là cần thiết. Theo ông, muốn tăng cường hiệu quả, giúp phụ nữ di cư tự bảo vệ, biết cách tìm trợ giúp chỉ nên có 1-2 số điện thoại khẩn cấp để chị em nhớ, sau đó mới cần các kết nối khác. Ông cũng cam kết, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam chia sẻ dịch vụ để giúp phụ nữ di cư nước ngoài được hiệu quả nhất.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu của các cơ quan/tổ chức trong lĩnh vực bảo hộ người lao động tại nước ngoài
Ngoài những ý kiến trên, hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ thực tế hoạt động hỗ trợ, bảo vệ công dân/người lao động/phụ nữ tại nước ngoài bị bạo lực/mua bán của các tổ chức như SCAGA, IOM, đường dây nóng Hội Nông dân, Rồng Xanh, Asean Act… và ý kiến đóng góp từ các cơ quan nhà nước: Bộ Công An, Bộ đội Biên phòng, Bộ Ngoại giao, Hội LHPN TP.Hà Nội…
Các ý kiến đóng góp của các tổ chức, chuyên gia sẽ là các ý kiến quý báu để Trung tâm hoàn thiện quy trình toàn diện hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài. Trung tâm sẽ tổ chức công bố tài liệu và gửi tới các tổng đài, các đơn vị cung cấp dịch vụ để cùng thực hiện với mong muốn cung cấp dịch vụ hữu ích nhất cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài.